30 thg 3, 2008

VIỆT NAM ĐỒNG ĐANG Ở ĐÂU VÀ SẼ ĐI VỀ ĐÂU

VIỆT NAM ĐỒNG ĐANG Ở ĐÂU VÀ SẼ ĐI VỀ ĐÂU

Những số liệu được công bố cho biết trong 3 năm từ 2005 đến 2007 tăng trưởng GDP của Việt Nam là 27% (tạo ra thêm khoảng 434 ngàn tỷ đồng giá trị sản phẩm quốc nội) nhưng lượng cung tiền lại tăng tới 135%. Điều này có nghĩa rằng nhà nước đã phát hành thêm một lượng tiền lớn hơn gấp nhiều lần trị giá của cải mà xã hội làm ra được trong 3 năm trên. Nếu lượng tiền đó được lưu thông hết vào thị trường thì sẽ tạo ra khả năng lạm phát lên đến 80% trong quãng thời gian này.

Thế nhưng con số lạm phát danh nghĩa từ 2005 đến 2007 đã được công bố là 27,6% (2005: 8,4%, 2006: 6,6%, 2007: 12,6%), như vậy mức độ lạm phát thêm 52,4% nữa sẽ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào từ đầu năm 2008 trở đi. Nếu loại trừ các yếu tố lạm phát không do tiền tệ (giá đầu vào tăng, kỳ vọng của người dân, v.v..) trong con số 27,6% nêu trên thì mức độ lạm phát tiềm tàng còn cao hơn 52,4% nhiều. Con số này chưa xảy ra vào cuối năm 2007 nghĩa là có trên 600 ngàn tỷ đồng (tương đương 52,4% GDP của năm 2007) đã được phát hành nhưng đang bị ghim giữ bởi một số cá nhân và tổ chức nào đó chưa đẩy cho lưu thông vào thị trường.

Tiền đồng đang ở đâu?

Người dân Việt Nam không có thói quen giữ tiền đồng làm dự trữ an toàn, trong tình hình lạm phát tăng nhanh thì biện pháp này lại càng không được lựa chọn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì luôn trong tình trạng cần vốn, phải đi vay. Các ngân hàng thương mại không có lý do gì cầm giữ một lượng tiền đồng lớn mà không cho vay ra để phải gánh chịu lãi suất huy động trừ các khoản dự trữ bắt buộc. Khả năng duy nhất là một lượng lớn tiền đồng đang bị ghim giữ bởi các quỹ đầu cơ (hedge fund) buôn chứng khoán tại Việt Nam.

Cuối năm 2006 đến cuối năm 2007 đô-la Mỹ bị mất giá mạnh trên thị trường thế giới, lãi suất của nó liên tục giảm; trong thời gian đó Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách duy trì tỷ giá tiền đồng thấp; đầu năm 2007 nước ta chính thức gia nhập WTO. Vậy là đã hội đủ các yếu tố cần để tạo thời cơ tuyệt vời cho bầy thú điện tử sừng mềm – cách gọi của Thomas Friedman dành cho các quỹ đầu cơ tài chính trong thời đại toàn cầu hóa – tấn công trục lợi nhanh tại Việt Nam. Các hedge fund mau chóng được thành lập và huy động vốn bằng đô-la Mỹ với lãi suất thấp để đầu cơ vào Việt Nam.

Những tháng cuối 2006 đến 2007 các quỹ này đã rót khoảng 160 ngàn tỷ đồng (tương đương với 10 tỷ đô-la Mỹ) vào thị trường chứng khoán, bơm giá cổ phiếu tăng đến chóng mặt, tạo ra một ma lực cuốn hút người dân đổ tiền vào cổ phiếu. Ước tính đã có hơn 350 ngàn tỷ đồng bị hút vào chứng khoán từ nguồn tự có, vay mượn và thế chấp của người dân. Giá cổ phiếu ít thì tăng vài ba lần, nhiều thì đến vài chục lần, vượt xa hoàn toàn khả năng tạo ra giá trị thực tế của nó.

Khi mọi người đã đạt đến cơn say ghim giữ cổ phiếu bởi giấc mộng làm giàu nhanh thì tai họa ập xuống. Nhưng tai họa không chỉ đến một lần. Mỗi khi các cổ phiếu được đầu cơ bị bán ra ồ ạt để thu lợi, chỉ số chứng khoán sụt giảm thì ngay sau đó sẽ xuất hiện những thông tin hỗ trợ từ chính phủ, từ nước ngoài và được tuyên truyền quá nhiệt tình bởi các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống. Người dân lại được hâm nóng bằng những hy vọng mới, bầy thú tiếp tục nhồi tiền làm mồi nhử, cổ phiếu lại lên giá, dân lại hồ hởi mua vào. Cái vòng xoáy hút – nhồi ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt năm ngoái đến nay. Tiền trong dân tuôn ra ngày càng nhiều, guồng máy hút – nhồi này lại càng tăng công suất, các ngân hàng trong nước càng nhiều nguy cơ.

Kết quả cuối cùng như thế nào thì giờ đây ai cũng thấy, nhưng thật đáng tiếc là chính phủ vẫn không chịu nhìn thấy, vẫn tiếp tục bị thao túng bởi những kẻ cơ hội để ra những quyết sách tiếp tay cho bầy thú điện tử. Tổng công ty SCIC dễ dàng tuôn ra 5 ngàn tỷ đồng để gọi là “cứu” chứng khoán nhưng thực tế là giúp cho những con thú điện tử bán ra những cổ phiếu sắp chết để mua vào những cổ phiếu có tiềm năng thực với giá rẻ mạt, chuẩn bị cho một sự thâu tóm.

Còn nhớ vào đầu năm 2007, khi mà chứng khoán đang trong giai đoạn bị làm giá bởi bầy thú để đầu cơ trục lợi, đã có ý kiến đề nghị SCIC nhanh chóng bán ra số lượng cổ phần của các công ty niêm yết mà tổng công ty này đang nắm giữ để giảm sốt cho thị trường, tăng lượng tiền dự trữ của chính phủ để dự phòng cho người dân đang bị cơn say ma lực. Là một cổ đông lớn nhất trên thị trường, nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của rất nhiều các công ty niêm yết có trị giá vốn hóa đến gần 50 ngàn tỷ đồng vào lúc cao điểm, SCIC hoàn toàn đủ sức làm đối trọng để chống những hành vi lũng đoạn thị trường, làm cho nó phát triển lành mạnh. Nhưng họ đã hoàn toàn bất động, trái hẳn với sự năng động xông vào “cứu” chứng khoán vừa rồi.

Giờ đây, khi mà hàng triệu người đã trở về với “cái máng lợn” thì những con thú điện tử sừng ngắn đã tích lũy được những khoản lời kếch xù, ít thì cũng bằng số vốn bỏ vào, nhiều phải đến một vốn bốn lời. Ngược lại, giá trị tài sản của SCIC đã bốc hơi đến vài chục ngàn tỷ đồng, thế nhưng họ vẫn đang tiếp tục “ôm” vào những cổ phiếu sắp chết. Hiện nay các chỉ số chứng khoán đã lùi về thấp hơn mức trước khi bầy thú tham gia vào thị trường, điều này đồng nghĩa với mấy trăm ngàn tỷ đồng không tự mất đi mà chỉ được dịch chuyển từ túi người dân và túi nhà nước vào túi bầy thú.

Các quỹ đầu cơ này đang kiểm soát một lượng tiền đồng khoảng 500 ngàn tỷ và được giữ tại các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam trong khi mức dự trữ trong dân đang dần cạn kiệt. Và đây chỉ mới là khúc dạo đầu của một kế hoạch. Sau giai đoạn chứng khoán bị làm giá rồi rơi tự do, sẽ đến giai đoạn tiền đồng bị làm giá. Đồng tiền quốc gia của 86 triệu dân đã bắt đầu bị lũng đoạn.

Tiền đồng đi về đâu?

Để hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài tăng vọt trong năm 2007, ngân hàng Nhà nước đã được lệnh phát hành thêm tiền đồng vượt mức an toàn để mua đô-la Mỹ. Lý thuyết này sẽ khả thi nếu như nền kinh tế trong nước hấp thụ được lượng vốn ngoại đưa vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh làm ra thêm của cải cho xã hội, dòng vốn được lưu thông thì ngân hàng Nhà nước dễ dàng hút tiền đồng về nhanh chóng để tránh lạm phát. Nhưng sẽ thật là mạo hiểm và vô trách nhiệm khi những nhà quản lý vĩ mô không nhìn ra và tiên liệu những tình huống ngược lại như thực tế đã diễn ra.

Áp dụng cách thức này trong lúc các điều kiện cần để tạo ra thời cơ tuyệt vời cho bầy thú điện tử đầu cơ đã hội tụ, chính là đưa đến điều kiện đủ cho một cuộc tấn công lũng đoạn có thể bắt đầu. Có nhiều chỉ trích rằng ngân hàng Nhà nước đã không tích cực hút tiền về nên làm lạm phát mạnh, nhưng cần hiểu là không thể thực hiện được điều đó khi mà chính ngân hàng Nhà nước đã tự đặt mình vào bẫy, để quyền điều tiết tiền đồng cho bầy thú kiểm soát.

Luồng vốn đầu tư gián tiếp tập kích ồ ạt vào chứng khoán nhưng hầu như chẳng được đưa vào đầu tư thực sự, nó chạy lòng vòng từ người này qua người khác theo cái vòng xoáy hút – nhồi để cuối cùng quay trở lại túi của bầy thú với trị giá được nhân lên nhiều lần. Các doanh nghiệp niêm yết huy động vốn xong lại tiếp tục đổ vào chứng khoán, chẳng có bao nhiêu tiền từ nguồn này được đưa vào đầu tư mở rộng kinh doanh tạo thêm sản phẩm cho xã hội.

Rất nhiều các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết vô trách nhiệm còn tiếp tay cho bầy thú điện tử lừa cổ đông để cùng hưởng lợi. Một tỷ lệ nhỏ tiền văng khỏi vòng xoáy của bầy thú, vào túi những kẻ tiếp tay. Số vốn này cuối cùng được đầu cơ vào bất động sản hoặc được cất giữ an toàn tại ngân hàng nước ngoài. Còn luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2007 chỉ thực hiện được một phần tư so với đăng ký do những rào cản hành chính, yếu kém hạ tầng và thiếu thốn nguồn nhân lực được đào tạo. Triển khai đầu tư chậm, dòng vốn lưu thông ì ạch thì tiền đâu mà ngân hàng Nhà nước hút vào.

An sinh của gần 86 triệu dân hiện nay đang phụ thuộc hoàn toàn vào sự rộng lượng của “những con sói”. Nếu vài trăm ngàn tỷ đồng đang bị ghim giữ được tung ra đổi thành đô-la Mỹ thì lạm phát sẽ đẩy người dân đến thảm họa. Lượng đô-la này nếu bị đảo chiều – chuyển ra khỏi Việt Nam – thì toàn bộ dự trữ ngoại hối của quốc gia sẽ bốc hơi trong tích tắc nhưng cũng chỉ là muối bỏ bể trước sự thâm hụt cán cân thanh toán và thương mại quốc tế trầm trọng. Một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất không thua gì vụ giá–lương–tiền hồi giữa thập niên 80 của thế kỷ trước sẽ nổ ra ngay sau đó. Tiền đồng – VND sẽ mất giá và rơi tự do.

Ngay đầu năm 2008, rất nhiều các chuyên gia và tổ chức nước ngoài đệ trình lên chính phủ các giải pháp nâng giá tiền đồng so với đô-la Mỹ, thắt chặt tiền tệ, gia tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp này lẽ ra đã phải được khuyến nghị để thực hiện từ giữa 2006 nhằm chống nguy cơ tấn công của bầy thú điện tử trước khi gia nhập WTO, giảm tăng trưởng ảo của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát để kéo dần lãi suất ngân hàng xuống nhằm thúc đẩy đầu tư cho sản xuất kinh doanh thực thụ, nhờ đó nền kinh tế sẽ được tăng trưởng dần theo hướng có chất lượng bền vững.

Thật tiếc rằng các giải pháp vĩ mô trong 2006 – 2007 đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, các nguy cơ không những không được tháo gỡ mà còn bị làm cho trầm trọng hơn. Chiến lược tăng trưởng nhờ thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng xuất khẩu đã ngăn cản việc nâng giá tiền đồng hợp lý nhằm gia tăng sức mua và nhu cầu nội địa – tức là gia tăng mức sống của người dân, một yếu tố quan trọng để tăng trưởng bền vững.

Việc duy trì tiền đồng yếu trong lúc đô-la Mỹ mất giá trung bình khoảng 20% so với các ngoại tệ khác trên thế giới chỉ tạo ra những sức hút ngắn hạn cho các nhà đầu tư nước ngoài khai thác lợi thế giá rẻ nhờ bảo hộ tỷ giá của nhà nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh nhưng đa số là nhập khẩu nhanh những công nghệ lạc hậu vào Việt Nam rồi khai thác nhân công giá rẻ, nguyên liệu rẻ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi lớn, lợi kép nhờ tỷ giá. Những khoản lợi nhuận này được để bên ngoài Việt Nam bằng cách khai tăng giá nhập thiết bị và vật tư phục vụ xuất khẩu (thuế suất nhập khẩu bằng 0 hoặc rất thấp). Giá trị còn lại trong nước chỉ là tiền công và nguyên liệu rẻ mạt, đi kèm với môi trường bị hủy hoại do công nghệ lạc hậu, và sự suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Đã có những cảnh báo về các nguy cơ rối loạn kinh tế lẫn xã hội nếu luồng vốn ngoại không cân đối làm suy yếu nội lực trong nước. Nhưng sự tuyên truyền ầm vang không mệt mỏi của các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi sự tăng trưởng ngoạn mục của đầu tư nước ngoài, tô hồng viễn cảnh sáng sủa của nền kinh tế đã át hẳn những tiếng nói có trách nhiệm. Dân chúng tránh sao được sự ảo tưởng và rơi vào vòng xoáy ma lực. Nhiều đề xuất, khuyến nghị chính phủ cần xem xét lại chính sách thúc đẩy xuất khẩu kiểu này nhưng kết luận cuối cùng là càng phải tăng mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu.

Nhưng sự thật trớ trêu là càng xuất khẩu kiểu đó thì nhập siêu càng lớn. Lý do là sức mua của toàn dân sụt giảm nghiêm trọng do tỷ giá tiền đồng thấp hơn thực tế, mà nhu cầu thì ngày càng tăng lên. Trong khi đó lại hoàn toàn thiếu vắng các chính sách hỗ trợ cho việc đáp ứng các nhu cầu nội địa, biểu thuế suất nhập khẩu hàng ngàn mặt hàng (đặc biệt là nông sản) giảm xuống do gia nhập WTO. Lượng nhập khẩu tăng lên là đương nhiên để đáp ứng các nhu cầu trong nước. Giá nhập khẩu cũng phải tăng mạnh do 2 tác động kép của tỷ giá tiền đồng thấp và giá cả thế giới tăng.

Nhập siêu 2007 phi mã đến 12,5 tỷ đô-la Mỹ (hơn 2,5 lần mức 2006) là vẫn còn may mắn. Nếu dầu thô thế giới không tăng giá để mang thêm về cho Việt Nam gần 2,5 tỷ đô-la Mỹ (40 ngàn tỷ đồng) từ xuất khẩu trong 2007 thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Thế nhưng người dân đã không được hưởng gì từ khoản thặng dư của tài nguyên quốc gia này sau khi chính phủ quyết định cắt bỏ 10 ngàn tỷ đồng bù giá xăng dầu trong nước. Sức mua của người dân bị ép giảm sút nặng nề để tăng lợi thế cho đầu tư nước ngoài và xuất khẩu mà ở đó chỉ một nhóm nhỏ các nhà xuất khẩu, chủ yếu từ nước ngoài hưởng lợi.

Giờ đây khi mà tiền đồng đã mất giá thực sự do lạm phát tiền và nội lực trong nước suy kiệt thì các giải pháp nâng giá tiền đồng lại được thực hiện. Lại một cái bẫy. Quyền lợi lại thuộc về nước ngoài. Đầu tháng 3/2008 ngân hàng Nhà nước mới yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc lên thêm 1% (tương đương khoảng 10 ngàn tỷ đồng) và phát hành tín phiếu bắt buộc trị giá 20,3 ngàn tỷ đồng; chỉ hút hơn 30 ngàn tỷ đồng mà đã làm cả hệ thống tài chính ngân hàng điêu đứng, náo loạn đua nâng lãi suất để động viên người dân chuyển đổi ngoại tệ thành tiền đồng gửi vào ngân hàng. Tiền đồng trở nên khan hiếm, đô-la Mỹ bị mất giá.

Người dân lại bị cuốn hút vào một cuộc chơi mới của bầy thú điện tử. Các quỹ đầu cơ này đang cần đổi tiền đồng sang đô-la Mỹ, một tỷ giá đô-la Mỹ thấp sẽ rất có lợi cho họ. Tiền đồng bị siết chặt, biên độ tỷ giá đô-la Mỹ được nới lỏng. Đô-la Mỹ rơi xuống gần 15,5 ngàn đồng/USD nhưng bán cũng không ai mua. Trong tuần thứ ba của tháng 3/2008 này bầy thú điện tử đã tung hơn 30 ngàn tỷ đồng để mua vào khoảng 2 tỷ đô-la Mỹ. Ngay lập tức lạm phát gia tăng thêm 3%, đạt mức kỷ lục 9.2% trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2008. Cùng lúc, các ngân hàng chuẩn bị giảm lãi suất huy động.

Cái vòng xoáy hút – nhồi, tăng lên – giảm xuống sẽ được lặp lại nhiều lần như chứng khoán, đến khi mà bầy thú đã nắm trong tay một lượng lớn đô-la Mỹ thì sức mua của tiền đồng sẽ rơi tự do không phanh. Chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng thêm cỡ 50% nữa, con số này chưa bao gồm những tác động của việc tăng giá đầu vào và sự mất niềm tin của dân chúng. Yếu tố niềm tin này có thể dẫn đến sự sụp đổ không ai có thể lường hết được, nó sẽ vượt quá nhiều lần mọi tính toán kỹ thuật nếu như người dân nhận ra mình đã bị lừa.

Thâu tóm và thôn tính

Nhưng mục tiêu của bầy thú không chỉ đơn giản như vậy. Bây giờ có lẽ chính phủ đã nhận ra được những nguy cơ của lạm phát sẽ tác động khủng khiếp thế nào đến sự bất ổn xã hội. Nếu không muốn cuộc khủng hoảng này bùng nổ ngay trong năm 2008, chính phủ phải thương lượng mua lại khoản tiền đồng khổng lồ của bầy thú. Quá trình thâu tóm đang bắt đầu.

Nhưng tiền đâu để mua khi mà dự trữ ngoại hối của quốc gia quá yếu ớt. Ngay cả có huy động được mọi nguồn lực để có đủ số tiền này thì bầy thú sẽ nói họ không cần đô-la Mỹ vì họ có thể mua nó dễ dàng từ thị trường. Họ muốn quyền kiểm soát các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những tập đoàn được hưởng đặc quyền và đầy lợi thế của nhà nước. Các doanh nghiệp này đã được bảo hộ chặt chẽ trong các điều khoản gia nhập WTO để không chịu sức ép cạnh tranh lớn khi hội nhập. Nhưng giờ đây chúng sẽ được trao quyền kiểm soát chi phối bằng sở hữu đa số thông qua các hiệp định song phương đang được đàm phán vội vã.

Dân chúng đừng vội mừng vì hy vọng vào sự tốt lên của các doanh nghiệp này sau khi có bàn tay của nước ngoài. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy trong một đất nước mà thiếu vắng các chiến lược để tạo ra lợi thế quốc gia trong một hệ thống toàn cầu hóa, và nguồn nhân lực thì thiếu kỹ năng được đào tạo đúng mức, cộng với tham nhũng chi phối các chính sách nhà nước thì bầy thú điện tử sẽ chỉ dùng các doanh nghiệp khổng lồ trong nước được bảo hộ để khai thác thị trường nội địa, buộc người dân phải trả giá cao để có siêu lợi nhuận. Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô (VAMA) vừa vận động nâng thuế nhập khẩu xe hơi để “chống nhập siêu” là một minh chứng cụ thể cho việc đó.

Áp lực đang được gia tăng lên rất mạnh để các điều khoản đảm bảo cho việc thâu tóm dễ dàng đạt được. Bầy thú đang nhả tiếp tiền đồng ra đổi lấy đô-la Mỹ khiến nó lên giá, lạm phát tiếp tục tăng vọt. Trong tình hình này có lẽ những điều kiện cần để thâu tóm sẽ phải hoàn tất trong vòng trên dưới 2 tháng nữa. Từ nay đến đó chứng khoán sẽ tiếp tục hoành hành để gây rối và gia tăng áp lực đàm phán. Đến khi mọi việc được ký kết thì tới lượt bất động sản sẽ được thổi bùng lên, giá trị thật giá trị ảo sẽ lại điên loạn lên một lần nữa – một cuộc chơi mới theo bài cũ. Nó sẽ tạo ra bất ổn đến cuối năm, không chỉ để trục lợi mà còn nhằm lũng đoạn dễ dàng các chính sách vĩ mô để phục vụ cho những kế hoạch tiếp theo.

Nhà nước nếu không cẩn thận thì sẽ bị những kẻ cơ hội tiếp tục thao túng để bơm ra lượng tiền đồng khổng lồ đã thu hồi về nhờ bán rẻ tài sản toàn dân. Trong lúc rối ren, thật giả lẫn lộn thì không khó gì để viện ra những lý do nghe xuôi tai để làm được việc ấy. Lúc đó sẽ không còn gì có thể cứu vãn được nữa. Đó chính là sự kết thúc.

Nhưng đấy cũng là khởi đầu của sự thôn tính.

Cộng sinh trong toàn cầu

Đất nước ta đang thực sự rất nguy kịch, tiến thoái lưỡng nan mà chỉ có sức mạnh của toàn dân mới có thể giúp vượt qua được. Người dân cần được chia sẻ những thông tin thật để lường trước những khó khăn xấu nhất. Người dân cần được tạo niềm tin từ sự chân thật để cùng nhà nước tìm ra những biện pháp thoát hiểm. Từ trước đến nay dân chúng bị cuốn hút vào những cuộc chơi mà mình không những không có được thông tin đầy đủ mà còn bị làm sai lệch.

Trong khi đó bầy thú thì không thiếu bất kỳ thông tin gì nhờ lấy được từ các định chế tài chính quốc tế như ngân hàng Thế giới (WB), quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chính phủ phải cung cấp định kỳ cho họ. Thông tin quốc gia là một loại tài nguyên quốc gia quan trọng hàng đầu, nó càng quan trọng hơn trong thời đại ngày nay. Sự thất bại thuộc phía người dân là tất yếu.

Kinh tế học không phải là môn khoa học tự nhiên như toán học, vật lý. Nó là một khoa học dựa vào hành vi con người và hướng đến con người dù rằng nó dùng các công cụ toán học để mô phỏng và phân tích. Các tính toán lý thuyết kinh tế sẽ không có giá trị gì nếu không gắn nó với việc hiểu ứng xử và động lực của con người.

Không thể điều hành vĩ mô một nền kinh tế thị trường thành công bằng bàn tay hữu hình của chính phủ, vì kinh tế thị trường vốn được vận hành theo qui luật của bàn tay vô hình – cách mà các nhà kinh tế học gọi tên một cơ chế thúc đẩy sự vận động kinh tế thông qua việc tác động vào động lực con người. Thật tiếc là các thế lực bên ngoài đã áp dụng cách này thật nhuần nhuyễn ở Việt Nam.

Chỉ khi nào những người cầm cân nẩy mực hiểu được dân, biết được điểm mạnh của dân, nhìn được điểm yếu của dân, cảm được nỗi đau của dân, hạnh phúc vì niềm vui của dân thì mới có thể xây dựng được những chính sách hợp lòng dân. Còn không thì cho dù là lý thuyết nào đi nữa, được ủng hộ bởi những tổ chức danh giá đến đâu đi nữa, dựa vào mô hình thực tế thành công của thể chế nào đi nữa cũng không thể tránh khỏi sự thất bại.

Trong một đất nước mà sự phát triển dân chủ còn rất nhiều hạn chế, nhà nước ở đó phải thương dân như con thì mới có thể xây dựng một nền kinh tế mạnh, xã hội vững chắc. Đầy tớ mà có trách nhiệm thì thật là hiếm hoi, mà dù có trách nhiệm thế nào thì cũng không bao giờ có tình thương với chủ.

Cái giá của một nền kinh tế trọng ngoại như nước ta sẽ còn những tác hại rất lâu dài. Sẽ không có một thần dược ngoại nào có thể chữa ngay khỏi bệnh. Chỉ có niềm tin của dân, sức mạnh tập hợp của toàn dân trong lẫn ngoài nước mới có thể tạo ra một nội lực đủ sức đề kháng với sự tấn công tiêu cực của ngoại lực, rồi tiến tới trung hòa cộng sinh với nó. Lúc đó đất nước mới có thể phát triển vững bền.

Chỉ khi nào nền kinh tế đất nước hội nhập một cách cộng sinh với hệ thống toàn cầu hóa thì lúc đó mới có thể tránh khỏi những cuộc tấn công như vậy. Người ta không thể đánh vào chính mình. Thật buồn là chúng ta đã tự làm như thế. Hội nhập mà không tạo ra những lợi thế tương hỗ, ràng buộc trong một guồng vận hành khốc liệt của toàn cầu hóa thì không khác gì tự biến mình thành một cái hố hứng rác thải của cái cỗ máy ấy mà thôi.

Tham nhũng và sụp đổ

Hơn lúc nào hết, chính phủ phải nhìn thẳng vào sự thật cho dù nó khắc nghiệt đến mức nào. Khủng hoảng toàn diện một cách trầm trọng là không thể tránh khỏi. Tránh né sự thật, trì kéo mua thời gian bằng cách vay mượn tương lai để tạm qua năm tháng hiện tại sẽ chỉ làm cho nó trầm trọng hơn mà thôi. Sự khốn cùng của dân chúng sẽ càng tồi tệ. Nền kinh tế nước ta từ nhiều năm nay đã tăng trưởng theo kiểu vay mượn tương lai cho thành tích hiện tại. Cuộc khủng hoảng này sẽ là một điểm dừng phải có để chấm dứt cái hệ thống vận hành sai qui luật này.

Trái qui luật nhưng nó vẫn tồn tại một thời gian khá dài chính là nhờ tham nhũng. Tham nhũng tạo ra động lực và bị biến thành công cụ cho một nhóm nhỏ những người cầm quyền và bầy thú điện tử. Quyền tạo ra tiền, tiền biến thành quyền, quyền cần có thành tích để củng cố. Thành tích không thể thật vì tham nhũng nhưng phải được tuyên truyền và thổi phồng làm người dân ảo tưởng, chấp nhận chịu đựng vì hy vọng vào những tương lai tốt đẹp mà chính quyền hứa hẹn. Nhưng niềm tin không thể được xây dựng trên những gì giả tạo. Trong sấm Trạng Trình có câu:

Phú quí hồng trần mộng

Bần cùng bạch phát sinh

Thật đúng với thời cuộc. Sự giàu có (phú quí) ở những nơi đô thị (hồng trần) chỉ là ảo (mộng). Đến khi dân chúng rơi vào nghèo khổ cùng cực (bần cùng) thì sự thật (bạch) sẽ phơi bày (phát sinh). Sự sụp đổ niềm tin có sức tàn phá khủng khiếp. Nếu nó không được dẫn dắt bằng lòng nhân ái và quyền lợi dân tộc thì sức mạnh đó sẽ bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị ngược lại.

Nên nhớ rằng cuộc khủng hoảng đang xảy ra nhanh chóng vì đã có một sự phá vỡ cái thế cân bằng ảo. Đất nước không được xây dựng để cộng sinh trong hệ thống toàn cầu hóa, nhưng lại hình thành sự cộng sinh giữa những kẻ tham nhũng, cơ hội trong chính quyền với bầy thú điện tử để chi phối các hoạt động xuyên suốt của đất nước mà nhiều người lầm tưởng là sự ổn định. Nhưng giờ đây bầy thú không thể bỏ qua thời cơ tuyệt vời để có nhiều quyền lợi hơn và đứng lên trên cái hệ thống cộng sinh đó. Sự cân bằng bị phá vỡ vì thế.

Sức dân và mệnh nước

Toàn dân cần được chuẩn bị để đối phó với cuộc khủng hoảng mà đỉnh điểm của nó sẽ rơi vào năm sau – Kỷ Sửu 2009. Tất cả những gì nhà nước cần tập trung lúc này là HẬU SỨC DÂN. Làm sao phải gia tăng sức mạnh vật chất lẫn tinh thần cho dân đủ sức chịu đựng khó khăn để vượt qua và xoay chuyển tình thế. Bổ sung sức mạnh vật chất là cần thiết nhưng trong điều kiện hiện nay thì không thể đủ mạnh. Chỉ có sức mạnh của niềm tin và sự đồng lòng mới có thể tạo ra vận thế mới.

Chính phủ đang kêu gọi dân chúng thắt lưng buộc bụng và đề ra các giải pháp “chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” như vừa rồi thì không thể hậu sức dân. Chỉ đơn cử việc giảm đầu tư công. Các bộ ngành, địa phương đang bàn về cắt giảm ngân sách đầu tư bằng việc cắt bớt các dự án. Giảm đầu tư trong nước tức là giảm nội lực. Cấu trúc hiện nay của nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào đầu tư công vì nó chiếm đến 40% tổng đầu tư quốc gia. Trong khi mà chưa có những cơ chế, chính sách để cho phép và hỗ trợ khu vực dân doanh đầu tư thay thế nhà nước thì việc rút giảm đầu tư công sẽ tạo ra một khoảng trống cực kỳ tai hại.

Toàn dân vẫn cần những đầu tư ấy để tạo ra hạ tầng, công ăn việc làm – những thứ mà Việt Nam còn thiếu thốn nhiều một thời gian dài nữa. Việc chính phủ cần làm là đảm bảo hiệu quả đầu tư công, hay nói theo kinh tế học là giảm chỉ số ICOR xuống. Thống kê chỉ số này của nhà nước cho thấy ICOR của đầu tư công là 8 (tức đầu tư đến 8 đồng mới làm ra thêm 1 đồng tăng trưởng). Đầu năm 2007, một thành viên của chính phủ trả lời trước công chúng giải thích rằng chỉ số này cao vì năng suất lao động của đất nước còn thấp.

Nhưng không thấy có ai hỏi tiếp rằng tại sao cùng với những người lao động Việt Nam mà khu vực dân doanh, dù trình độ quản lý cũng chưa hiện đại nhưng chỉ số này chỉ có 4 (chỉ cần 4 đồng đầu tư sẽ tạo ra 1 đồng tăng trưởng), của khu vực nước ngoài là 2.7. Không hỏi vì ai cũng biết rằng hiệu quả đầu tư công thấp là do tham nhũng.

Chỉ cần làm được như khu vực dân doanh thì cùng một dự án đầu tư nhà nước có thể giảm được một nửa số vốn bỏ ra mà dân chúng vẫn được hưởng thành quả không đổi. Một nửa ấy từ trước đến nay do tham nhũng mà thất thoát. Theo kế hoạch 5 năm từ 2006 – 2010, mỗi năm đầu tư công lên đến 270 ngàn tỷ đồng, một nửa số tiền đó mà tiết kiệm được và dùng để hậu sức dân thì thật là có ý nghĩa. Còn nếu cắt giảm theo kiểu số lượng thì chỉ gia tăng sức mạnh cho những kẻ tham nhũng, cơ hội. Lạm phát sẽ càng tăng dù trị giá đầu tư có giảm. Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện tình trạng chạy để được giữ lại các dự án. “Mạnh vì gạo”, ai chi nhiều hơn thì sẽ được tiếp tục đầu tư, tỷ lệ thất thoát sẽ càng gia tăng, chất lượng đầu tư càng giảm, lạm phát càng tăng là vì thế. Dân sẽ vẫn lãnh đủ.

Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay thật đơn giản mà không đơn giản: triệt tiêu tham nhũng. Làm được việc này thì sẽ gia tăng nguồn lực cho dân, củng cố niềm tin của dân. Chính là hậu sức dân. Nhưng điều này thật quá khó cho chính quyền hiện nay khi mà luật pháp trong nước bị bóp méo bởi những kẻ tham nhũng – cơ hội, và những định chế quốc tế bị chi phối bởi bầy thú điện tử. Một kẻ như Bùi Tiến Dũng lại được ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam khẳng định là không có dấu hiệu tham nhũng để rộng đường cho một phiên tòa chỉ xử tội đánh bạc. Nguyễn Việt Tiến cũng vừa được thả ra và phục hồi quyền lợi mà không qua xét xử. Cái hệ thống cộng sinh này là như thế đấy.

Chính phủ thực hiện các giải pháp vĩ mô như hiện nay sẽ tiếp tục hậu ngoại lực, ép nội lực dù vô tình hay hữu ý. Càng nhiều bàn tay hữu hình thò ra thì càng dễ bị giật dây điều khiển. Chưa hết tháng 3/2008 mà nhập siêu đã phi đến 7 tỷ đô-la Mỹ, bằng 56% của cả năm 2007, vượt xa con số 4,8 tỷ của 2006. Ấy vậy mà nhận định mới nhất của chính phủ trước thường vụ Quốc hội là vẫn tin tưởng cân đối được cán cân thanh toán quốc tế do Việt Nam vẫn đang là điểm sáng của thu hút đầu tư nước ngoài.

Sao vẫn tiếp tục trông chờ vào ngoại lực mà không nhìn nhận thực tế là đất nước này đang còn cầm cự được phần nào trước sự thâm hụt mậu dịch lâu nay là nhờ vào kiều hối 2 tỷ đô-la Mỹ của gần nửa triệu lao động Việt đang phải chịu cực khổ, tủi nhục, cả bỏ mạng ở nước ngoài, 5 tỷ đô-la Mỹ của hơn 3 triệu đồng bào Việt định cư ngoài nước gửi về hàng năm mà không kèm bất kỳ điều kiện và đòi hỏi nào; nhờ vào tiền công lao động rẻ mạt của hàng triệu lao động nghèo trong nước còn giữ lại được từ xuất khẩu; và của hàng chục triệu nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm ra những nông sản để xuất khẩu. Không hề thấy chính phủ phân tích và đề cập đến việc chăm sóc các nguồn lực này như thế nào trong các giải pháp hiện nay và trước đây.

Những người lao động nghèo này chính là lực lượng tiên phong phải đương đầu trước tiên với cạnh tranh toàn cầu, ngay khi Việt Nam gia nhập WTO trong khi chưa hề được chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Họ chẳng hiểu toàn cầu hóa là gì nhưng các cam kết để gia nhập WTO đã dỡ bỏ ngay lập tức trợ cấp xuất khẩu nông sản và hàng dệt may; giảm ngay xuống mức thấp thuế suất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, may mặc.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước đang kiểm soát hoàn toàn các ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng, bưu chính – viễn thông, năng lượng – dầu khí được nuôi dưỡng và hưởng đặc quyền lâu nay, nắm giữ những nguồn lực lớn nhất của quốc gia thì vẫn tiếp tục được bảo hộ theo lộ trình từng bước 3 năm, 5 năm sau khi gia nhập WTO. Tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường nội địa trong các lĩnh vực này, thay vì phải được dùng làm hậu phương vững chắc để tiến công ra thị trường toàn cầu, làm lực lượng tiên phong bước ra cạnh tranh để giảm áp lực cho những nông dân, công nhân may mặc cần thời gian để hiểu và chuẩn bị cho hội nhập, thì lại được quây rào để dành cho bầy thú điện tử thâu tóm.

Chuyện này khác gì trong một cuộc chiến, những người dân đen cùng đinh bị đưa ra trước để làm bia đỡ đạn trong khi quân chủ lực vẫn đang còn say sưa chè chén. Đến khi giặc vào tới thì hèn nhát, không phải là bỏ chạy mà là đầu hàng bán rẻ đồng đội. Thế nhưng những kết quả đạt được trong đàm phán WTO được ca ngợi là thành công, là ngoạn mục. Có thể dễ dàng đọc được trên các website của các bộ ngành để nghe họ khen tặng, tâng bốc về cái thành quả này như thế nào.

Hội nhập toàn cầu là một quá trình phải được bắt đầu một cách chủ động từ trước khi ký kết hiệp định quốc tế. Sự thụ động và chạy theo thành tích thì tránh sao khỏi rơi vào những cái bẫy đàm phán. Người ta không cần nhưng vẫn khăng khẳng đòi mở cửa xuất bản ngay. Còn ta thì châm châm bảo vệ sự kiểm soát nó tuyệt đối bằng mọi giá mà không hiểu rằng internet đã thay đổi mọi thứ. Nếu anh muốn giữ chặt cái này thì anh phải nhả cho tôi ngay cái khác: hoặc là nông sản và dệt may; hoặc là các dịch vụ tài chính – ngân hàng, bưu chính – viễn thông, năng lượng – dầu khí. Họ muốn ta nhả cái thứ nhất để tạo bất ổn xã hội, mục tiêu lớn như vậy mà chẳng phải vất vả gì để đạt được. Họ thừa biết các nhóm lợi ích trong các lĩnh vực dịch vụ này dư sức chi phối các quyết định đàm phán cuối cùng.

Đừng nghĩ là chính quyền kiểm soát báo chí, tuyên truyền mà dân chúng không đủ hiểu biết để nhìn ra những vấn đề quá lớn mà các chính sách vĩ mô đã tạo ra cho họ. Người dân thậm chí còn bảo rằng chẳng phải nhà nước mắc bẫy, chẳng qua vì quyền lợi cá nhân mà nhà nước đưa dân vào hoàn cảnh như ngày hôm nay. Luật thuế thu nhập cá nhân sắp có hiệu lực từ đầu năm sau sẽ là một giọt nước tràn ly đối với lòng dân.

So sánh chiến lược về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia thì bộ luật này, với mức khởi đầu là 5% cho thu nhập 4 triệu đồng/tháng và 35% cho phần thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên, đã đặt Việt Nam vào một quốc gia có tương lai dựa trên lao động giá rẻ thiếu kỹ năng, chứ không phải một nơi nuôi dưỡng chăm sóc cho con người có đủ tri thức để làm nền tảng phát triển vững chắc của đất nước. Chắc chắn rất nhiều nước đã vỗ tay vui mừng bộ luật này. Lại mắc bẫy hay do thiếu hiểu biết, người dân tự sẽ nhận ra và phán xét.

Không củng cố niềm tin thì hậu quả thật khó lường hết bằng các con số. Các tính toán kỹ thuật cho thấy khả năng tiền đồng sẽ nhanh chóng chỉ còn hơn 20 ngàn/USD. Nhưng một khi người dân không còn niềm tin gì vào nhà nước thì con số này có thể là 30 ngàn, 40 ngàn hay cao tới mức mà không ai có thể dự báo nỗi. Nó cũng không khác gì việc đáy chứng khoán được dự báo không biết bao nhiêu lần. Mức trên dưới 500 điểm như hiện nay vẫn chưa phải là đáy. Còn xa mới tới đáy vì bầy thú không chỉ muốn thâu tóm, mà là thâu tóm rất rẻ để dồn tiền cho sự thôn tính chính trị.

Vận nước đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Đây là một biến cố lớn sẽ chắc chắn tạo ra sự xoay chuyển. Con tạo xoay vần, nhưng xoay về đâu, đó là trách nhiệm của tầng lớp trí thức của đất nước. Những con Lạc cháu Hồng ưu tú sẽ tập hợp lại tạo nên sức mạnh của cả dân tộc thuộc mọi tầng lớp để hóa giải thế cờ, xoay chuyển biến cố thành một vận hội mới.

Có một Con đường như vậy.

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Trong họa có phúc.

Trần Đông Chấn

Mùa xuân tháng 3, 2008.

3 nhận xét:

  1. VND đang ở trong túi hay trong két của những người sử dụng nó, nó sẽ về nơi nó bắt đầu ra đi, nghe đâu trong khi họp tìm giải pháp chống lạm phát, có ý kiến cho rằng tạm ngưng không luân chuyển tiền tệ , trứng khoán gì ráo.. gia đình nào làm bao nhyiêu ăn bao nhiêu, chẳng mua bán giao thương gì 1 thời gian nhằm giảm lạm phát..vẫn đang tranh luận :)

    Trả lờiXóa
  2. Trích:"Giờ đây khi mà tiền đồng đã mất giá thực sự do lạm phát tiền và nội lực trong nước suy kiệt thì các giải pháp nâng giá tiền đồng lại được thực hiện. Lại một cái bẫy. " Vậy ý của tác giả là muốn phá cái bẩy này thì phải phá giá đồng bạc VN cho nó theo một tỷ giá khác. Ví dụ 1 USD = 16.000x3 =48.000 đồng VN như vậy những bầy thú điện tử sừng mền sẽ lăn đùng ra tự vẫn vì nắm một mớ giấy vụn bởi giá trị còn có một phần 3 lúc đầu, nhưng chắc chắn nhà nước VN kô làm vì nhân dân phẩn nộ và hỏi tội chính quyền.
    Trích:" Tiền đồng bị siết chặt, biên độ tỷ giá đô-la Mỹ được nới lỏng. Đô-la Mỹ rơi xuống gần 15,5 ngàn đồng/USD nhưng bán cũng không ai mua. Trong tuần thứ ba của tháng 3/2008 này bầy thú điện tử đã tung hơn 30 ngàn tỷ đồng để mua vào khoảng 2 tỷ đô-la Mỹ." Thật ra nhà nước ta khôn nhà dại chợ mà thôi. Này nhé, đây là phép hoán vị (blog Tiệm Tạp Hoá) lấy tiền lạm phát tức tiền giấy lộn làm cho nó có giá (15.500 đồng thực ra phải là 48.000 đồng) để đổi ra dollar, mục đích là làm giảm lạm phát hòng thu dollar từ nhân dân, nhưng kô ngờ bầy thú điện tử nham hiểm hơn bầy thú Karl Max cho nên nhà nước bị xụp bẩy.

    Trả lờiXóa
  3. thx anh
    bai phan tich rat hay
    tiec la TTXVA hom nay chua dang bai nay

    Trả lờiXóa