Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, được coi là biểu tượng sáng giá của nhân quyền, hoà bình và bất bạo động |
Không phải bây giờ sự trỗi dậy của các tôn giáo truyền thống mới được nói đến.
Ngay sau khi Chiến tranh Lạnh cùng sự đối đầu ý thức hệ Đông Tây chấm dứt, tôn giáo đã trở lại với các hình thức mới và cũ, vừa nêu bật lại các vấn đề tâm linh muôn thuở, vừa đặt câu hỏi về đề tài mới nhất như môi trường, công bằng xã hội, hay nhân tính trong bối cảnh công nghệ tăng tốc chóng mặt.
Nếu như những năm qua, Hồi giáo gần như chiếm lĩnh cuộc tranh luận tại Phương Tây trong bối cảnh Thiên Chúa Giáo giảm vị thế ở chính các vùng truyền thống nhưng có tiềm năng lan ra ở những khu vực cựu 'Thế giới thứ Ba' thì nay, với Nam Á, Miến Điện và giờ là Tây Tạng, Phật Giáo thuộc dòng dấn thân, tranh đấu được mô tả là một thế lực mới.
Trong một bài mới đây trên Newsweek, tác giả Christian Caryl cùng cộng tác viên từ Ấn Độ, Đài Loan và Trung Quốc đã cho rằng 'từ tôn giáo kêu gọi hòa bình', với chừng 1,5 tỉ người Phật giáo đang thành 'một phong trào chính trị và xã hội' ở châu Á.
Bài báo 'Những Đội quân Giác ngộ' (Armies of the Enlightened) đưa ra luận điểm rằng từ Ấn Độ, Sri Lanka đến Thái Lan, Miến Điện, Đài Loan và Trung Quốc, số người tìm đến đạo Phật tăng lên nhanh và các nhóm chính trị, xã hội mang màu sắc Phật giáo hoặc có sự ủng hộ của tăng ni đang tạo vị thế ngày một rõ.
Các tác giả đưa ra ví dụ đảng Bahujan Samaj đã nắm quyền ở bang Utah Prades của Ấn Độ, đảng Jathika Hela Urumaya cũng có vị trí quan trọng tại Sri Lanka trong lúc ở Đài Loan, các hội đoàn Phật giáo cũng tăng tín đồ.
Những cuộc xuống đường chống thủ tướng Thaksin Shinawatra ở Thái Lan được nói là có sự ủng hộ của các tăng ni. Bài mô tả lãnh đạo đảng Dharma (Phật pháp) của Thái Lan, ông Chamlong Srimuang, cựu đô trưởng Bangkok có tài biến tổ chức này thành một lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn.
Riêng với Trung Quốc, bài báo cho rằng Phật giáo nói chung và Tây Tạng nói riêng 'làm Bắc Kinh lo lắng' tuy chính quyền cho giáo phái Hội Từ Tế (Tzu Chi, Đài Loan-nổi tiếng với các kênh TV truyền đạo) vào làm các hoạt động từ thiện.
Còn về Việt Nam,Christian Caryl nói chính quyền tìm cách hạn chế ảnh hưởng của đạo Phật nhưng cho rằng tinh thần của Phật giáo phái Thích Nhất Hạnh khác với tính đấu tranh của các nước khác.
Bài báo nói phái của vị sư này 'không quên tinh thần hòa bình của Đức Phật' và nhắc đến hai chuyến hồi hương năm 2005 và 2007 khi hòa thượng Thích Nhất Hạnh 'được chào đón như anh hùng dân tộc'.
Thách thức
Nhiều người dân Tây Tạng lưu vong hoặc cư ngụ ở nước ngoài đã lên tiếng ủng hộ đòi độc lập của Tây Tạng và phản đối sự chiếm đóng của chính quyền Trung Quốc |
Với các chế độ dân chủ hoặc ít nhiều có cơ chế hội nhập chính trị một cách dân chủ cho các phong trào xã hội bất kể màu sắc tôn giáo, ý thức hệ (Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản) thì sự vươn lên của Phật giáo hay các giáo phái theo chủ thuyết xã hội của Đức Phật không phải là một vấn đề gì quá phức tạp.
Cùng lúc, quá trình dấn thân chính trị-xã hội của Phật tử hay bất cứ tín đồ của một đạo giáo nào mà chính quyền không kiểm soát được đã và đang gây đau đầu cho những thể chế chưa dân chủ, điển hình nhất là Trung Quốc.
Ta hãy xem lại đường đi nước bước của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong trường hợp Tây Tạng.
Theo bình luận của báo The Economist ra tại London tuần này thì chính sách của Bắc Kinh với Tây Tạng đã sai ngay từ nguyên tắc.
Thứ nhất, họ bác bỏ vai trò của Đạt Lai Lạt Ma, cho vị này là một thứ tàn dư của chế độ phong kiến tiền cách mạng.
Bởi thế chuyện xoay ra giải thích với dư luận trong nước rằng chính Đạt Lai Lạt Ma 'đứng đằng sau' các vụ bạo động trở nên kém thuyết phục.
Thứ nhì, vì không muốn thảo luận với nhân vật lãnh đạo tinh thần này của người Tây Tạng (với ý muốn đợi ngài chết đi thì sẽ chọn một người kế vị nghe lời), Bắc Kinh đã chỉ làm cho các nhóm thanh niên Tây Tạng cấp tiến lớn mạnh.
Những người này được các ví dụ của Đông Timor và gần đây là Kosovo thuyết phục, đã tin rằng chỉ có bạo động mới đem lại độc lập.
Họ cũng coi Đạt Lai Lạt Ma là quá 'mềm' và đã cao tuổi nên chuẩn bị cho một tương lai đấu tranh, kể cả bằng bạo lực nếu cần.
Như thế, bác bỏ Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc tự chuẩn bị cho mình một tương lai khó khăn hơn.
Nhưng tại sao Trung Quốc lại có thể sai lầm như vậy?
Theo nhà Trung Quốc học Jean Phillipe Beja của Pháp thì chính quyền Bắc Kinh đã dựa vào hệ thống an ninh, mật vụ để nắm bắt tin tức về Tây Tạng và hiển nhiên những thông tin này đã không lường trước được các cuộc biểu tình.
Tờ The Economist gián tiếp xác nhận chuyện này với tin rằng phóng viên của họ được cấp giấy đến Lhasa đúng vài ngày trước vụ bạo loạn, chứng tỏ chính quyền nghĩ rằng với sự tăng trưởng kinh tế rất tốt của Tây Tạng, dân chúng đã chấp nhận chính sách của nhà nước nên đã có thể mở cửa vùng này cho nhà báo Phương Tây đến đưa tin.
Ngoài ra, Bắc Kinh tin rằng về lâu dài, với chính sách di dân người Hán lên Tây Tạng, việc đồng hóa người địa phương sẽ chỉ cần thời gian là hoàn tất.
Thực ra điều Trung Quốc không tính được là tinh thần tôn giáo và dân tộc của người Tây Tạng không giảm nhờ phát triển kinh tế.
Trái lại, càng hội nhập, kết nối với bên ngoài (qua Internet, điện thoại di động) và giao lưu nội địa (đường xe lửa cao nhất thế giới nối Thanh Hải với Lhasa làm tăng số người Tây Tạng ở các vùng xa đi lại làm ăn, thăm viếng nhau), sức lôi cuốn của một thế giới mới mà chính họ làm chủ được đời sống của mình lại càng tăng cao.
Hiện tượng toàn cầu
Trở lại luận điểm ban đầu, không thể nào trách người Tây Tạng tìm về quá khứ hay tụ họp theo các nhánh tôn giáo truyền thống.
Đòi độc lập cho Tây Tạng và Phật giáo ở đây luôn là một thách thức lớn đối Bắc Kinh |
Hiện tượng mang tính toàn cầu này đang diễn ra trên toàn Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, chính tại các vùng của người Hán, số người trở lại với Phật giáo và các tôn giáo truyền thống tăng lên rất nhiều.
Một mặt, nó là hệ quả tất yếu của việc ý thức hệ cộng sản mất giá.
Mặt khác, cuộc sống vật chất thăng tiến khiến người ta đặt câu hỏi về ý nghĩa của đời người, của sinh tử và tìm đến các tôn giáo.
Bản thân nhà nước Trung Quốc cũng công khai khuyến khích sự phục hồi Khổng giáo và cổ vũ việc về nguồn bằng văn hóa ở các địa phương trong chiến lược khôi phục tinh thần Trung Hoa vĩ đại.
Thậm chí, nhà Trung Quốc học Jean Phillipe Beja còn cho hay dù đa số dân Trung Quốc phê phán Đạt Lai Lạt Ma và mọi ý tưởng ly khai của Tây Tạng nhưng với thanh niên đô thị Trung Quốc, việc tìm hiểu Phật giáo Tây Tạng lại trở thành một trào lưu, và đối với không ít người thì việc để cho Tây Tạng có tự trị cũng chẳng phải là chuyện gì đáng sợ.
Như thế, thách thức với chính quyền đến từ nhiều phía, kể cả từ dư luận trong nước chứ không chỉ từ phái cấp tiến trong các sư tăng Tây Tạng thế hệ trẻ.
Tóm lại, với một chế độ sinh ra từ nội chiến ý thức hệ như Trung Quốc, sai lầm từ gốc là ý muốn 'giải quyết' các vấn đề tôn giáo bằng các tính toán chính trị.
Các chính quyền Phương Tây đã rút ra bài học đau đớn từ lịch sử là để thế quyền và thần quyền lẫn vào nhau.
Bởi thế, tác tôn giáo ra khỏi chính quyền là cách tốt nhất giúp cả hai cùng tồn tại và phát triển.
Với mô hình toàn trị có gốc từ Đông Âu, chính thức mà nói thì tôn giáo bị tách ra mà chính quyền nhưng trên thực tế thì chính quyền bỏ rất nhiều công sức tìm cách điều khiển tôn giáo hoặc có lúc nguy hại hơn là đẩy tôn giáo vào vị trí đối đầu tinh thần.
Như thế, chính quyền vừa phải cạnh tranh (không cần thiết) với các tôn giáo trong việc chứng tỏ ai hơn ai trong lĩnh vực tư tưởng và các luận đề xã hội, vừa phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động mang tính tôn giáo trong dân chúng.
Liên Xô sụp đổ cũng chứng tỏ việc trấn áp thẳng tay hay cài người vào các tôn giáo tỏ ra không hiệu quả đơn giản là vì tôn giáo không phải là thứ có thể kiểm soát được.
Tại Á Châu vấn đề tôn giáo, cụ thể là Phật giáo trong những năm tới sẽ còn là đề tài quan trọng.
Lý do là bên cạnh các vấn đề môi trường, dân sinh và dân quyền (gián tiếp tạo xung lực cho dân chủ), thì chủ đề bản sắc con người và dân tộc sẽ luôn mang tính thời sự trước tác động của giao lưu toàn cầu và va chạm với lối sống Âu-Mỹ.
Trung Quốc luôn muốn loại bỏ Đạt Lai Lạt Ma còn phương Tây, Hoa Kỳ thì không nghĩ như vậy |
Mà tôn giáo, nhất là Phật giáo, nhờ sự có mặt và bén rẽ hàng nghìn năm ở toàn khu vực chứa đựng nhiều luận giải tuy câu trả lời đúng hay sai còn tùy khả năng thể hiện của những người diễn dịch.
Quyền lực đem lại sức mạnh, tiền bạc đem lại cảm giác chiếm đoạt, làm chủ, khoa học cho con người kiến thức còn niềm tin tôn giáo kiến tạo ý nghĩa cho cuộc sống.
Mối quan hệ phức tạp giữa tôn giáo và quyền lực đã được nói đến nhiều, ở đây chỉ xin nhắc đến sự tương tác của nó với khoa học, đề tài hiện đang được nghiên cứu trở lại (dự án Explaining Religion của châu Âu).
Tôn giáo không có kiến thức khoa học dễ rơi vào chủ nghĩa cực đoan nhưng khoa học đứng đơn lẻ, thiếu mục tiêu có ý nghĩa cũng có thể trở thành nguy hiểm.
Đây cũng là mối quan hệ không tránh khỏi trong tương lai lâu dài của loài người dù ai đó muốn hay không.
Để kết luận, xin kể lại nội dung truyện ngắn 'Chín Tỉ Tên Thượng Đế' (The Nine Billion Names of God) của nhà văn Anh Arthur Clarke, người vừa qua đời, về đề tài khoa học với tôn giáo: hai chuyên gia máy tính Phương Tây được một tu viện Tây Tạng thuê lắp một chiếc máy có thể đọc hết được tất cả các tên của Thượng Đế với niềm tin rằng nếu họ tìm được và in ra được tất cả thì Thượng Đế sẽ biến mất vào vũ trụ.
Hoàn tất công việc họ rời tu viện, vừa xuống núi vừa cười sự mê tín mê muội của mấy ông sư. Khi họ sắp trở lại 'thế giới văn minh' thì chiếc máy tính cũng in ra cái tên cuối cùng.
Hai người Phương Tây nhìn lên bầu trời và thấy 'các vì sao bắt đầu tan biến'. Truyện là như vậy tuy bản thân Arthur Clarke không tin vào tôn giáo nào cả.
Sao ta khong to chúc hàng tram ngàn bong bóng bay kháp tròi Viet Nam mang bieu ngu~ nhe nhàng, khong càn bay cao, da~ dao~ Tàu Cong, chóng Olympic, và keu goi giai~ cúu Tibet, Phóng vien kháp thé giói se quay phim chup hình, cho Cong An CS, chó san Tàu cong tha hò bán phá bong bóng , coi ai dùng bao luc hiép dan mình.
Trả lờiXóa