6 thg 2, 2008

Sài Gòn-Thành phố của tôi, tình yêu và nỗi buồn của tôi.




2096563560054089462S500x500Q85

Chỉ còn hôm nay và ngày mai nữa là hết năm. Từ nhiều năm rồi tôi không thích Tết, tôi chỉ thích những ngày từ Noel cho đến trước Tết. Khoảng thời gian đó khí hậu ở Sài Gòn thường là dễ chịu, không nóng và nắng vàng lao xao, ngồi uống café một mình hoặc với bạn bè ngắm nhìn dòng người và xe cộ trôi trên mặt đường, lòng tự nhiên cũng bâng khuâng…

Thêm một cái Tết này nữa là đã 33 năm tôi sống ở Sài Gòn.

33 năm gắn bó với từng thay đổi của thành phố, và ngược lại, mọi sự kiện lớn nhỏ trong cuộc đời tôi cho tới giờ phút này đều xảy ra ở đây.

Nếu tin rằng cuộc đời con người ta có số phận, thì việc sống ở đâu, có lẽ cũng không phải cứ muốn mà được. Tôi đã từng không ít lần muốn rời bỏ thành phố này, đi tìm những nơi cư ngụ khác. Nhưng số phận thế nào rồi vẫn chẳng đi đâu được cả. Trong khi đó thì tôi lại rất nhiều lần trong đời từng chứng kiến (hoặc tiễn đưa) những người bạn, người thân, người dưng… rời bò Sài Gòn, để rồi nhiều năm sau bắt gặp (hoặc đón tiếp) họ trở về, nhưng hầu hết cũng chỉ là những cuộc trở về ngắn ngủi.

33 năm-thời gian đủ dài để một con người hiểu được phần nào về nơi mà mình đang sống.

Trong một bộ phim tài liệu mà tôi sẽ làm, kịch bản đã được duyệt, viết chung với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc-đó là một bộ phim về Sài Gòn, có cái tựa “Ngọc của Sài Gòn”. Thoạt đầu chúng tôi âm mưu định làm một bộ phim tài liệu khoảng 60 phút thôi, kiểu như “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Nhưng cái kịch bản ban đầu ấy đưa đi vài nơi không xin được tiền tài trợ, có lẽ người ta cũng “ngửi” thấy nó “không ổn lắm”, dễ làm cho ai đó mất chức như chơi nếu duyệt làm một bộ phim như vậy. Thế là cuối cùng chúng tôi phải sửa chữa, kéo dài và làm cho kịch bản nó “mềm mại” hẳn đi để được duyệt làm truyền hình. Quả là tiếc nhưng biết làm sao!

Xuất phát điểm của kịch bản chỉ là từ việc ấm ức của tôi, của chị Minh Ngọc, rằng sao cho đến giờ phút này vẫn chưa có được một cái phim tài liệu tử tế về Sài Gòn. Thật ra cũng đã có một số phim tài liệu làm về Sài Gòn, nhưng dường như vẫn chỉ mới chú trọng một Sài Gòn thời kỳ chiến tranh chống Pháp chống Mỹ, hoặc một Sài Gòn về lĩnh vực kinh tế, cũng có loáng thoáng đôi nét về văn hóa, nhưng vẫn chưa bật lên được toàn bộ chân dung Sài Gòn, tính cách con người Sài Gòn, cái hay-cái dở, cái đẹp-cái xấu, những vụn ngọc rơi vãi của một hòn ngọc viễn đông một thời. Đó là cái ý mà chúng tôi muốn nói đến trong bộ phim tài liệu của mình.

Giới thiệu trích đoạn kịch bản phim tài liệu “ Ngọc của Sài gòn”:

17/08/2007

"Ngọc của SÀI GÒN"

(Phác thảo phim tài liệu 10 tập. Mỗi tập 20’)

KỊCH BẢN: NGUYỄN THỊ MINH NGỌC-SONG CHI.

TẬP 1: DUNG NHAN SÀI GÒN- thành phố của những mặt đối lập.

TẬP 2: SÀI GÒN từ XƯA đến NAY: lịch sử và hình thành.

TẬP 3: TÍNH CÁCH SÀI GÒN-hội tụ, bao dung, năng động

(Tính cách độc đáo không lẫn với các thành phố khác).

TẬP 4: CON NGƯỜI SÀI GÒN

(tại chỗ, khắp nơi tới, có những đóng góp cho SG dù có tên hay không.)

TẬP 5: NHÂN VẬT SÀI GÒN - vài người con gắn bó với SG

TẬP 6: NHÂN VẬT SÀI GÒN - vài người con gắn bó với SG

TẬP7 : NHÂN VẬT SÀI GÒN - vài người con gắn bó với SG

TẬP 8: NGỌC CỦA MỘT THỜI - hòn ngọc của một thời. (ôn cố)

TẬP 9: SÀI GÒN trong MẮTAI - những người vô danh nói về những điểm khiến họ yêu Sài Gòn

TẬP 10: SÀI GÒN TRĂN TRỞ - phác thảo chân dung tương lai.(tri tân)

TẬP 1: DUNG NHAN SÀI GÒN-

THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG MẶT ĐỐI LẬP.

Thành phố nầy trước khi đổi tên, nó đã được xưng tụng là Hòn Ngọc Viễn Đông… Đã một thời, khi ghé qua Nam Việt Nam, người ta thường phải đến Sài gòn.Với nhiều người nước ngoài, tên của thành phố nầy cũng hấp dẫn và tiêu biểu cho Việt Nam không kém gì Hà Nội (dù Hà Nội đang là thủ đô).

Hiện tại, với nhiều người trong nước, thành phố nầy vẫn là giấc mơ đẹp để lập nghiệp (như American Dream với nhiều nước). Nhà sản xuất từ mọi tỉnh, dù lớn hay nhỏ, đều mong muốn tiêu thụ hàng hoá của họ ở Saigon. Với văn nghệ sĩ, người sáng tác, có tên tuổi ở Saigon là đã khẳng định đẳng cấp. Cha mẹ học sinh, dù giàu hay nghèo, đều tin rằng con mình sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nếu học ở Saigon. Hầu như mọi nhà đầu tư, mọi công ty nước ngoài, khi chọn nơi đặt cơ sở hoặc tiêu thụ hàng hoá, họ đều nghĩ tới Saigon (và mấy tỉnh lân cận).

Nếu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng thường dung chứa những người của các vùng lân cận thì thành phố này có sức dung chứa nhiều tất cả các miền trên toàn quốc mà có người cho nguyên nhân chánh là do GDP của nó chiếm từ 30% đến 40% tổng giá trị sản lượng quốc dân cùng là nơi thu hút nhiều dự án đầu tư của nước ngoài trên toàn quốc nhất( năm 2001 có 182/ 458 dự án với tổng số vốn 619/ 2.191.9 triệu USD)

Là đô thị lớn nhất Việt Nam, bên cạnh những nhân sự định cư ổn định hay đến đây để làm việc, còn phải kể đến số lượng nhập cư ngày mỗi gia tăng từ sinh viên các tỉnh đổ về việc học tập cũng chuyển dần sang mưu sinh, hay thanh niên các vùng nông thôn, mà mục tiêu “kiếm sống” trước đây đa phần đã chuyển thành mục đích “đổi đời”. (cũng năm 2002, chỉ ba quận Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Chánh đã có khoảng ít nhất 250.000 người nhập cư; riêng quý Hai, con số đăng ký tạm trú dài hạn trên toàn thành có gần một triệu.)

Nếu ví thành phố là cơ thể một con người thì rõ ràng thành phố này đang đổi máu liên tục. Đem theo cùng nó những mặt sáng tích cực cũng không loại trừ những mặt tối đi kèm. Tính cách và màu sắc của nó do vậy có biển đổi theo sự biến thiên của đời sống? Chúng ta hãy một lần nữa nhìn lại thực trạng của nó để xem những chất ngọc nào nó còn gìn giữ và lắng nghe những cho các hướng phát triển trong tương lai.

Vị trí đđịa lý và truyền thống lịch sử khiến thành phố này là trung tâm kinh tế duy nhất Việt Nam phát triển công nghiệp cùng thương nghiệp, có nông nghiệp lẫn thủ công nghiệp, gồm thương cảng với ngư trường, luợng di dân đổ về thuộc nhiều nghề nghiệp nhất toàn quốc.

Do vậy, nó cũng luôn chứa trong nó những mặt đối lập.

A. Đối lập giữa Cũ & Mới

* Kiến Trúc: Trong kiến trúc, vẫn còn lại đây những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm, những khu phố cổ Chợ Lớn, những dinh thự nhà thờ, chùa của người Việt, người Hoa, người Miên được xây từ thời Pháp bên cạnh những building kiến trúc theo các loại mẫu mã hiện đại.

* Giao Thông, Xe Cộ: Trên đường phố, người ta vẫn nhìn thấy những chiếc

xe Vespa cổ, xe Velosolex, xe honda 67, xe hơi mui trần kiểu cổ bên cạnh

những chiếc @, Dylan, Mercedes đời mới nhất,

* Am Thực, Nhà hàng: Những nhà hàng sang trọng với những người bồi ăn mặc lịch sự cài nơ trên cổ bên cạnh những tiệm chạp phô, tiệm ăn nhỏ của người Hoa với ông chủ cơi trần, mặc chiếc quần lửng và cung cách phục vụ như từ bao nhiêu năm trước. Những món ăn xưa và nay.

*Phục Trang, Thời trang: Những chiếc áo dài thiếu nữ thướt tha với mái tóc dài e ấp bên cạnh những chiếc áo hai dây, hở rốn đi cùng mái tóc nhuộm đủ mầu. Những thiết kế thời trang phức tạp dường như dành riêng cho giới biểu diễn hay khách nước ngoài, cạnh những trang phục đơn giản và tiện dụng.

* Giải trí: Không một loại hình giải trí nghe nhìn hiện đại nào mà không có ở Saigon; nhưng dân địa phương (kể cả người rất nghèo) vẫn yêu mến những loại hình giải trí có từ mấy thế kỷ trước: uống cà phê lề đường và đọc báo buổi sáng. Không thành phố nào ở VN có nhiều báo chí xuất bản bằng Saigon. ( Dân Saigon ít có điều kiện – và thói quen – đọc và ‘chôm’ báo ‘chùa’ ở cơ quan nhà nước), nghe hoặc xem cải lương...

B. Đối lập giữa Động và Tĩnh

* Tốc độ và sống chậm: Bên cạnh thế giới của những vũ trường, café nhạc trẻ, quán nhậu ồn ào là không gian yên tĩnh của những ngôi chùa, thư viện, một khoảng không gian buổi sáng trong công viên nơi các ông cụ về hưu bình thản ngồi đọc báo nghe chim hót.

* Thể Thao: Nhóm mô tô/ Những người tập dưỡng sinh

*Thương Mại: Những người gánh hàng từ ngoại ô đổ về, những chiếc thuyền đò dọc lẫn ngang chèo trên sông đưa người và hàng. Những bàn chân vác gạo trên ván. Những hàng hóa trút xuống. Siêu Thị và chợ nhỏ nhóm họp tràn đường.

* Khoảng cách thế hệ: Tuổi trẻ năng động (liên tục thay đổi chỗ làm, thần tượng, ước mơ, đào thải cái cũ), và tuổi trung niên – già tĩnh tại (giữ gìn những giá trị cũ như trong thị hiếu âm nhạc, đọc sách, phong tục, nề nếp gia đình...)

C. Đối lập trong cung cách sống, sự Giàu- Nghèo/ Sang trọng- Bình dân / tồn tại ở khắp nơi.

* Kề bên những khách sạn, nhà hàng, vũ trường sang trọng ở dó người ta có thể đốt hàng đống tiền cho một bữa ăn, một bữa nhậu hay một cuộc vui với rượu ngoại , thuốc lắc tính giá hàng trăm đô la là hình ảnh những người lao động nghèo với gánh ve chai lặc lè giữa trưa nắng gắt, gánh khoai lang đậu phọng rẻ tiền hay những em bé với một xấp vé số trên tay lang thang cả ngày kiếm được chừng mươi ngàn chưa bằng một lon bia lạnh người khác đang uống. Có những người ngủ đêm ngoài trời (thềm nhà, công viên, xe xích lô, tấm chiếu bến xe...) Có kẻ không nhà xích chiếc mô tô vào cahn cầu thang chung cư mà ngủ..

* Hình ảnh những người phải leo lên những cây me cao chót vót bên đường hái me bán để kiếm ít ngàn tiền gạo, những người ngày đêm cắm mặt trên những bãi rác khổng lổ, kiếm sống từ rác. Cách họ không xa là những người làm việc trong những văn phòng hiện đại, với lợi tức chênh lệch: vài ngàn USD mỗi tháng so với vài trăm USD mỗi năm.

* Kề bên những beauty salon sang trọng, dịch vụ massage, chăm sóc da, tắm Spa ở dó khách hàng bỏ tiền triệu và được chăm sóc nâng niu với đủ mọi tiêu chuẩn cầu kỳ, lẫn dịch vụ đấm bóp dạo lề đường nơi khách hàng chỉ phải bỏ ra năm, mười ngàn, ngồi hoặc nằm ngay trên lề đường!

* Không ít con đường ở Sài Gòn, đằng sau dãy phố sang trọng lịch sự, những building mới xây, nhà hàng, vũ trường náo nhiệt, bên trong là những con hẻm lao động ngoằn nghèo, những con kênh nước còn đen, những ngôi nhà ổ chuột (khu Mả Lạng, khu kênh rạch ở Quận Tư , Quận Tám, Quận Mười Một…) với mức sống khác hẳn như thuộc về hai thế giới khác. Những người làm phim này đã từng có những giai đoạn sống và gắn bó với những con hẻm của Sài Gòn- từ trong những con hẻm như vậy, một khuôn mặt khác của Sài Gòn vẫn tồn tại bao nhiêu năm qua, gần gũi, bình dị, đi xa nhớ về mà lòng nao nao…

D. Đối lập giữa CHUẨN MỰC& LỆCH CHUẨN

- Gần như ở thành phố nầy cái gì cũng có, từ cũ dến mới, đắt nhất đến rẻ nhất, sang trọng nhất đến bình dân nhất, đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng khác nhau trong xã hội. Từ ăn uống vui chơi giải trí đến học hành.

Nơi đây học cái gì cũng có người dạy và dạy cái gì cũng có người học với đủ loại bằng cấp, khoá học, giá cả và chất lượng khác nhau.

Lớp học tiếng Anh mở ra ở khắp nơi, gần 50% người Sài Gòn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nhất là ở những khu phố thường xuyên có người nước ngoài như khu phố Tây ba lô ở khu Phạm Ngũ Lão.

- Những nghề nghiệp thuộc lĩnh vực mới: quảng cáo, thiết kế đồ hoạ, tổ chức event, thiết kế thời trang, hoạt động đa truyền thông, internet.

- Những mặt hàng tiêu dùng, những tiện nghi mới: từ chiếc điện thoại di động cho đến giải trí hip-hop của giới trẻ. Tiến kịp các chuẩn mực của các đô thị tiên tiến, đồng thời đôi khi từ đó lại đẩy đến những nhận thức mang tính cách lệch chuẩn như đánh giá con người không dựa vào nhân cách mà căn cứ vào chiếc xe hay chiếc điện thoại người đó xử dụng hay đồng tiền người đó kiếm được.

- Các loại kinh doanh, dịch vụ, thương mại để đồng tiền được phát triển cũng được coi trọng và có đất để được sống mạnh nơi đây. Vì đồng tiền cũng là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển, tiêu chuẩn của các thành phố hiện đại .

* Xây dựng nhà cửa, cầu đường phát triển mạnh nhưng không tôn trọng tiêu chuẩn nào cả (làm đường trước rồi đào lên đặt cống sau; nhà cửa san sát nhưng không hài hoà về màu sắc hay kiểu dáng; chống ngập bằng cách nâng đường lên cao khiến nhà dân bị ngập; cao ốc mới xây phá vỡ không gian cảnh quan vốn dành cho những kiến trúc cũ...)

* Hàng hoá: Saigon là trung tâm cung cấp hàng hoá công nghiệp và sản phẩm văn hoá của cả nước nhưng cũng là lò sản xuất hàng nhái, hàng giả.

E. Đối lập giữa THỪA & THIẾU

- Có nhiều người cảm giác người Sài Gòn không làm việc vì lúc nào cũng thấy có người ngồi đầy trong các quán xá bất cứ giờ nào. Những bãi bia rộng mênh mang do nhiều người chủ từ phương xa đến. Cà phê các kiểu cũng dung chứa từ tuổi trẻ đến tuổi già. Cạnh đó ta cũng dễ thấy Sài Gòn quá thiếu nhà vệ sinh công cộng.

- Với những người đi bộ thì Sài Gòn quá thừa hàng rong mà thiếu lề đường.

- Với những người yêu thiên nhiên thì Sài Gòn quá thừa ô nhiễm, thiếu cây xanh và công viên. Càng thiếu nhiều những nơi để người già và sân chơi cho trẻ nhỏ. Những lá phổi hiếm hoi của Sài Gòn còn bị những hội chợ chen chúc vào choán chỗ.

- Ở những con đường lớn có nhiều khách du lịch cũng được chưng thừa tranh hàng chợ mà quá thiếu những tượng đài đẹp xứng danh với một thành phố như Sài Gòn.

Tạm kết. Để sống cùng những mặt đối lập đó

Thành phố này chứa trong nó quá nhiều phức tạp, đầy những mặt đối lập, mâu thuẫn như thành phố Hồ Chí Minh- với tên cũ Sài Gòn- sẽ vừa là trợ lực vừa là trở lực cho việc sáng tác của nhiều người.

- Một lúc ngẫu hứng nào đó, mặc cho người dân và báo chí có ý kiến

người ta đã dẹp bỏ phố hoa xuân ở đường Nguyễn Huệ đã tồn tại nhiều năm. Rồi một thoáng ngẫu hứng khác, người ta lại khôi phục, lại hồ hởi, tự hào nhận ra nhờ vậy mà thành phố vào mấy ngày xuân đẹp lộng lẫy hẳn ra!

- Một dự án nối trung tâm và Thủ Thiêm cũng thay bao lượt từ hầm chui đến cầu nổi

- Khá nhiều rạp xi nê cũ chuyển thành nhà sách hay khiêu vũ trường, nhà hàng rồi có khi lại biến thành tụ điểm văn hóa mới, những cụm rạp tối tân hơn.

Phải, không đâu ở Việt Nam, bạn có thể nhìn thấy sự hội tụ của các luồng văn hoá, các trào lưu, khuyng hướng khác nhau, thậm chí đầy những mặt đối lập, mâu thuẫn-như hầu hết các thành phố lớn trong những quốc gia đang trên đường phát triển đổi thay từng ngày-như thành phố đã mang tên mới nhưng còn lưu luyến tên cũ là Sài Gòn nầy.

Là người yêu Sài Gòn, cần phải nhận ra điểm đối lập độc đáo này của thành phố để có thể cùng hỗ tương nhau đưa thành phố ngày mỗi đẹp, sạch và tốt hơn.

TẬP 3: SÀI GÒN-HỘI TỤ, BAO DUNG, NĂNG ĐỘNG

(tính cách độc đáo không lẫn với các thành phố khác).

A. HỘI TỤ:

Sức sống thực sự của thành phố này nằm trong tính chất “ một melting-pot của Việt Nam”. Nó dung nạp tất cả, thu nhận tất cả mọi nguồn nhân lực đến từ mọi nơi trên đất nước, tạo cơ hội bằng nhau cho tất cả mọi người. Có thể kể ra rất nhiều con người gốc gác từ nơi khác, đã đến kiếm sống, lập nghiệp và thành danh trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Sài Gòn.

Tính chất hội tụ thể hiện ngay từ “ diện mạo” kiến trúc bên ngoài. Đây là nơi “ hiện diện” của rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau- có thể tìm thấy những toà dinh thự mang bản sắc kiến trúc Đông Dương do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ như Nhà thờ Đức Bà , UBND thành phố , Bảo tàng Cách mạng, các trường Marie-Curie, Nguyễn thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Lê Hồng Phong, những khu chợ cổ rất đặc trưng của người Hoa, người Ấn, những công trình kiến trúc cận hiện đại do các kiến trúc sư người Việt thiết kế những năm 60-70 vừa hiện đại vừa rất Đông phương và đặc biệt phù hợp với khí hậu của một xứ nhiệt đới như Dinh Độc Lập, Thư viện Tổng Hợp, Trường Đại Học Y Khoa, trung tâm IDECAF, cho đến những công trình, nhà cửa có kiến trúc hiện đại mới xây sau này.

Không một món ăn đặc sản, hay một bí quyết chế biến thực phẩm, từ bất cứ tỉnh nào, mà không có mặt ở Saigon. Dân Saigon có thể thưởng thức món ăn Nam, Trung hoặc Bắc tại nhiều nơi, hoặc nhà hàng sang trọng hoặc một sạp hàng vỉa hè. Dĩ nhiên, các món đặc sản địa phương này phải được gia giảm để hợp với khẩu vị địa phương. Người Saigon đi du lịch xa, ăn đặc sản tại xứ gốc, mới chợt nhận ra khẩu vị Saigon có khác biệt một chút. Đó cũng là một tâm điểm hội tụ.

Con người, và cung cách làm ăn sinh hoạt ở Saigon, không kỳ thị Bắc, Trung hay Nam. Có lẽ ngoại trừ đài HTV tuyển phát thanh viên với yêu cầu có tính “kỳ thị” là: phát âm theo giọng Saigon, còn mọi cơ sở kinh tế tư nhân đều không phân biệt gốc gác của người xin việc.

Ta có thể gặp những hội đồng hương của dân từ các tỉnh khác đến Saigon, nhưng dân Saigon không có thói quen này khi họ đi làm ăn ở tỉnh khác vì họ đã quen hoà nhập với những cộng đồng lạ.

Nhân lực làm nên bộ mặt của nó ngoài người kinh còn có các dân tộc khác người Hoa trong Chợ Lớn, người Chăm, Khờ Me Nam Bộ..) , từ các tỉnh (Bắc, Trung, trước và sau 1975) và nước ngoài (Việt lẫn ngoại kiều), “Tam vô nhân viên” ( nhân viên không hộ khẩu, không thu nhập, không nhà) lẫn “tam hữu nhân viên” . Thế giới ảo giữa các blogger của Sài Gòn.

B.HẾT MÌNH:

Người Sài Gòn dễ chấp nhận cái mới và cũng dễ chấp nhận sự đa dạng, khác nhau trong quan điểm, cách sống cách nghĩ của người khác.

Một quan chức, một người trí thức, và một anh đạp xích lô có thể ngồi với bằng vai phải lứa với nhau trong cuộc nhậu, tranh luận với nhau và nếu ý kiến có khác nhau thì “ cũng có sao đâu”.

Cạnh đó, tinh thần phản kháng, đòi công bằng, dân quyền còn là một nét đáng quý của người Sài Gòn.

- Trong quá khứ Sài Gòn đã có những cuộc “bày tỏ chính kiến” của một tập thể khối đông vô danh mà những ai có súng đạn trong tay cũng phải lấy làm khiếp sợ như cuộc diễu hành của gần một phần bảy dân số Sài Gòn sau đám tang “Trò Ơn”.

- Trong những năm 50-60-70, Sài Gòn luôn luôn sôi động với những phong trào đấu tranh của HS-SV, của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn phối hợp với các hoạt động như bom xăng tự chế, những ký giả xuống đường đi “ăn mày”, những sinh viên, nhà sư dùng thân mình làm đuốc để cầu nguyện hoà bình, là những “tiếng hét câm” dũng mãnh, độc đáo với những người đang cầm quyền; mà không phải nơi nào trên Việt Nam và cả thế giới đều muốn mà làm được. Tất cả những hoạt động này đã gây tiếng vang và thật sự đã có vai trò to lớn trong việc đóng góp vào ngày thống nhất đất nước.

C.NĂNG ĐỘNG:

Sức sống của Sài Gòn được tạo nên bởi vì không một nơi nào khác ở VN có một khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ như ở đây.Và một cơ chế xã hội hoá được thực thi nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất như ở đây. Khu vực tư nhân phát triển kéo theo nhu cầu công ăn việc làm, điều đó giải thích vì sao người lao động ở khắp nơi cứ kéo nhau tràn về thành phố, tạo thành một lực lượng dân nhập cư chiếm tỷ lệ không nhỏ trên tổng số dân khoảng trên bẩy triệu dân hiện nay ở Sài Gòn với rất nhiều vấn đề phát sinh.

(giới thiệu các mô hình tư nhân xã hội hóa thành công, một số công ty thương mại, dịch vụ và văn hóa tổng hợp như Công ty Thái Dương và sân khấu IDECAF chăm lo cho các em ngoại thành, làm múa rối nước…)

D. BAO DUNG THÂN THIỆN:

Sài Gòn là đất hội tụ. Người Sài Gòn từ lâu đã quen với việc chung sống hoà bình giữa những người tạm gọi là khác xứ, khác quê. Do vậy người Sài Gòn có tính cách cởi mở, không bảo thủ, dễ hoà đồng, bình dân, hào phóng, rộng rãi. Người Sài Gòn, đến từ 300 năm trước, và cũng rất nhiều người Sài Gòn đến từ sông Mékong, từ Tây Nguyên, Tây Bắc, từ Hà Nội, Phát Diệm, Bùi Chu và bây giờ từ Thanh Nghệ Tĩnh, Hải Phòng… khi chọn Sài Gòn làm nơi sống tiếp, có nghĩa, một mặt nào đó, họ đã chọn một kiểu sống và nghĩ, độc lập với đất cũ. Dù là một nhà doanh nhân giám đốc của một doanh nghiệp có hàng trăm hàng ngàn nhân viên hay chỉ là một người bán hàng rong dạo trên đường phố, ai cũng tìm được chỗ của mình, ai cũng có thể tồn tại giữa Sài Gòn, miễn là cần cù lao động và biết hy vọng vào ngày mai.

- Phong Trào Từ Thiện:

Người Sài Gòn gần như luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào có tính cách xã hội từ thiện- từ một trường hợp thương tâm được đưa lên báo, một hoàn cảnh cần được giúp đỡ, một sinh viên cần được tiếp sức đến trường, cho đến lũ lụt ở miền Trung, thiên tai ở đâu đó, hay phong trào ký tên vì công lý , vì các nạn nhân chất độc màu da cam… Bên dưới cái vẻ như vô tình không ai để ý đến cuộc sống của ai của người Sài Gòn, rất dễ làm chạnh lòng những người nhập cư mới đến Sài Gòn, người Sài Gòn bao giờ cũng mau mắn, sẵn lòng chia xẻ nỗi đau của người khác. Hiện tại phong trào từ thiện của nơi đây cũng cho thấy sự bao dung, thân thiện ủa người Sài Gòn. Ngay cả thế giới ảo của blog cũng tổ chức hiến máu, vì nạn nhân da cam.

E. HAM CHƠI:

Bên cạnh sự hết mình, còn là cách chơi cũng hết mức.

Không nơi đâu có nhiều tụ điểm giải trí sáng đèn hằng đêm như Sài Gòn.

Người có tiền có kiểu chơi của mình thì người không tiền cũng có kiểu chơi của họ.

Nên cũng có nhận định về người Sài Gòn cũng hời hợt mau quên. Cả nỗi đau lẫn sự bất công, mới hôm qua còn làm người ta đau đớn bừng bừng phẫn nộ thì ngày hôm sau, cuộc sống bộn bề đã cuốn người ta đi. Cái sự mau quên đó còn thể hiện ngay trong thái độ với chính những giá trị tài sản vật chất lẫn tinh thần của Sài Gòn mà các thế hệ đi trước đã tạo dựng nên và để lại. Cái thói nghĩ ngắn mà không nhìn xa trong kiến trúc quy hoạch và nhiều mặt khác đã tạo nên hệ quả một thành phố bộn bề , ngổn ngang, chắp vá như hiện tại.

Hiện tượng một số người giàu lên mau chóng (dù bất chính hay không) và việc nở rộ những tụ điểm ăn chơi (có và không có văn hoá) đã tạo nên tâm lý “sốt ruột làm giàu” và “tranh thủ hưởng thụ.” Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm khi tâm lý này nhiễm vào giới trẻ. Phim ảnh và các tiện nghi nghe nhìn, những cơn sốt thần tượng... cũng góp phần đẩy giới trẻ chạy mau tới những mục tiêu khác (tiền bạc, danh tiếng, lạc thú, tiện nghi hiện đại...) ngay từ lứa tuổi mà lẽ ra công việc chính của chúng là trau dồi kiến thức và tay nghề, và rèn luyện bản lĩnh chống lại các cám dỗ.

F. NGỔN NGANG

Mặt trái của sự quá tãi là Sài Gòn không đủ đất để chứa hết những người nhập cư ngày mỗi tăng dần nên cũng kèm theo đó nhiều hiện tượng tiêu cực. Còn phải kể thêm loại người từ Sài Gòn đi kinh tế mới rồi thất bại trở về, mất hộ khẩu và trở thành những “Người Việt gốc me”. Cái nghèo đã trở thành lý do biện minh cho vô số thói quen xấu và hành vi sai trái (chẳng hạn, một người đạp xích lô hay ba gác nghiễm nhiên cho mình quyền được bỏ qua luật giao thông, người bán hàng rong tự cho mình cái quyền xả rác ở bất cứ chỗ nào, tội ăn cắp vì nghèo được bỏ qua mau chóng...)

Một Sài Gòn bao dung nhưng cũng vô cùng khó khăn để kiếm chỗ ở lẫn việc làm, dễ gây nguy cơ về tính mạng, nhân phẩm và tài sản cho những người nhập cư ào ạt, thậm chí họ có thể bị gạt ra khỏi những trợ giúp về y tế, giáo dục và cả những chương trình trợ giúp cho người nghèo. Sự phức hợp này còn đưa tới việc gia tăng các tệ nạn xã hội như ăn xin, lưu manh, mại dâm.. . Đội quân bán vé số, hàng rong và cả tiếp thị cũng đông đảo quá mức cần thiết. Cung cầu mất cân đối từ nhà ở đến giao thông, tăng thêm gánh nặng cho bộ máy hành chính trong quản lý xã hội, giữ gìn trật tự trị an(kẹt xe), tạo ra những véc tơ ngược chiều hay chệch hướng với việc xây dựng lối sống đô thị hiện đại. Nhiều khu vực ở nhếch nhác, bẩn thỉu, phức tạp gia tăng. Tình trạng “mật ít, ruồi nhiều” khiến có nhiều lao động thừa, khiến việc tạo dựng một phong cách văn hóa Việt Nam sao để tiến kịp trình độ của các đô thị hiện đại trên thế giới gặp nhiều khó khăn trên chính thành phố này.

..........

Nói thêm một chút về sự tự do, dân chủ và tính chất hội tụ của Sài Gòn:

- Về sự tự do, dân chủ: vốn đã manh nha có được từ thời chế độ Miền Nam Cộng Hòa trước năm 75 khi mà báo chí thời đó có thể lôi từ các ông Thiệu ông Kỳ ra mà chửi, bài vở tuy cũng bị kiểm duyệt cắt bỏ nhưng khi báo ra phần bị cắt bỏ để trống và có ghi đàng hoàng (kiểm duyệt cắt bỏ mấy dòng), phóng viên báo chí nước ngoài có thể đi khắp nơi để viết bài về thực trạng cuộc chiến đang diễn ra hay về nội tình chính phủ Miền Nam Cộng Hòa, sách vở bày bán công khai có cả sách về chủ nghĩa Mác, sách của Mao Trạch Đông cũng như sách triết học tư tưởng các loại của phương tây.

- Về tính chất hội tụ: Sài Gòn và các tỉnh miền Nam VN là nơi giao thoa hội tụ của các chế độ chính trị khác nhau, nhưng ờ Sài Gòn, do tính chất năng động của một thành phố lớn nên đã “khai thác” được nhiểu nhất sự giao thoa đó trong mọi lĩnh vực từ kinh tế cho đến văn hóa văn nghệ, cách sống của người dân… Ví dụ trong văn học chẳng hạn, Sài Gòn đã triệt để tận dụng và khai thác được sự giao thoa hội tụ của dòng văn học trước và sau năm 75; trong nước và hải ngoại; chính thống và phi chính thống hay còn gọi là văn học ngoài luồng, vỉa hè…Tính chất xã hội hóa trong đời sống văn học nghệ thuật ở Sài Gòn phát triển mạnh mẽ, một ví dụ nhỏ và mới mẻ nhất: ở Sài Gòn hiện có đến 5,7 nhà xuất bản…vỉa hè chuyên xuất bản photocopy những ấn phẩm văn thơ không được Nhà Nước cho phép như NXB Giấy vụn, NXB NCửa, NXB Gió, NXB Vĩa hè…

Tất cả những điều đó tạo nên tính chất riêng và nét đẹp riêng của Sài Gòn, nhưng cái xấu-cái dở, cái sự “ngọc nát vàng phai”từ diện mạo bên ngoài của thành phố cho đến tính cách, nếp ăn nếp ở của con người Sài Gòn cũng nhiều lắm.

Phải nói là Sài Gòn bây giờ thay đổi quá nhiểu. Nhà cửa rồi những công trình lớn nhỏ mọc lên khắp nơi, đời sống người dân sung túc hơn, nhưng thành phố này đã chắc gì đẹp hơn?

Khói bụi, ô nhiễm, nạn kẹt xe hàng ngày, đường sá hết đào lên lại lấp xuống, cả thành phố chỗ nào cũng ngổn ngang xây dựng như một công trường khổng lồ, nhà cửa mỗi nhà mỗi kiểu, cái đẹp nhiều khi phải đứng kề bên cái xấu xí, phản thẩm mỹ…

Trích kịch bản:

“Với những khách đã đi nhiều khắp Việt Nam, đa số chuộng Hà Nội hay Huế, Đà Lạt, Sapa, Hội An hơn với thiên nhiên, cây, hồ, phố cổ, núi đồi..

Sài gòn, trong con mắt của phần lớn người mới đến, dường như không có gì để nhớ. Và cũng thật khó cho người dân Sài gòn mỗi lần có khách phương xa đến chơi, xin được giới thiệu những thứ và nơi “chỉ Sài Gòn mới có”...

Nhưng tôi vẫn yêu Sài Gòn. Dù Sài Gòn so với bao nhiêu thành phố trên thế giới đúng là chả có gì đẹp.

Có những thời gian đi xa Sài Gòn, nhớ về thành phố, với tôi, là nhớ cái nắng cái mưa rất đặc trưng của Sài Gòn; nhớ những chỗ ngồi khác nhau trong những quán café khác nhau-một mình hay với bạn bè; nhớ những con hẻm đã từng sống qua những giai đoạn khác nhau; và nhớ con người Sài Gòn từ người quen cho đến người dưng...

Sài Gòn-tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi.

Nguồn : Song Chi Blog

2220459960054089462S500x500Q85

3 nhận xét:

  1. Tôi sẽ mua đĩa CD đầu tiên khi chị phát hành. Ý tưởng hay.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu có làm được bộ phim như vậy thì xin hoan hô anh chị. Chúc anh chị thành công

    Trả lờiXóa
  3. em là dân SG "chính hiệu" đây :). Rất vui khi thấy tác giả dành rất nhiều tình cảm ưu ái cho SG cũng như thẳng thắn "tự phê bình". Nếu có làm phim, anh nhớ đưa lên internet để người Vịêt ở nước ngoài có dịp xem với nhé. Có lẽ mấy cái phần "nhạy cảm" về tự do, dân chủ bị cắt mất thôi ...

    Trả lờiXóa