23 NĂM SỐNG, HI SINH VÌ SỰ NGHIỆP TUỔI TRẺ, GIỜ ĐÀNH XIN NGHỈ VIỆC!
Đó là blast anh Trương Quang Vĩnh, nguyên (vâng, đến hôm nay đúng là “nguyên”) Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đưa lên blog vào hơn bảy giờ sáng ngày 01.12.2007. Thật là một lời chua xót và một sự việc chua xót!
Đây là lời tâm sự nho nhỏ sau khi tôi hỏi thăm anh: “Hôm qua Thành đoàn đã công bố quyết định anh rời khỏi Tuổi Trẻ, thuyên chuyển qua Nhà xuất bản Thành phố. Sáng nay anh đã gửi đơn xin nghỉ việc. Anh có quyền lựa chọn con đường đi của mình!”.
Tại các blog khác, tôi được biết quyết định điều động anh Quang Vĩnh sang Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh được công bố ngày 30.11.2007 và có hiệu lực ngay vào ngày hôm sau! Tuần sau nữa sẽ đến anh Huỳnh Sơn Phước phải sang Nhà xuất bản Trẻ! Như những blogger khác, tôi xem đây rõ ràng là đuổi hai phó tổng biên tập kỳ cựu còn lại của Tuổi Trẻ ra khỏi làng báo!
Tiếp tục lướt qua các comment trên blog anh Quang Vĩnh, nhiều lời… chia buồn, đọc mà… tức. Tôi đưa lên blast: “Anh Quang Vĩnh tại Tuổi Trẻ quyết định xin nghỉ việc để từ chối thuyên chuyển. Đồng nghiệp của anh tại đó và nơi khác chỉ có thể… buồn thôi sao!”. Một blogger là người của Tuổi Trẻ vào nói với tôi rằng: “… Pó tay rồi anh ơi! Làm gì bây giờ?”.
Khi sự việc tại Tuổi Trẻ bắt đầu nổi lên, đã có giả thiết là do tiềm năng kinh tế của Tuổi Trẻ đã nằm trong tầm mắt của (những) ai đó. Tôi vẫn nghĩ rằng khả năng này rất thấp, nguyên nhân chính là bản sắc riêng về chính trị-xã hội mà tờ báo lớn nhất nước đã định hình được. Việc bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp, bất kể những điều ngược ngạo về tổ chức[1] và dùng đến cả thủ thuật[2] để kiên quyết loại trừ Quang Vĩnh và Sơn Phước, càng củng cố thêm cho điều này. Việc bất ngờ và cùng lúc thẳng thừng tống xuất những nhân vật rường cột của tờ báo mang tính chiến đấu cao nhất - dứt khoát không cho trụ lại, dù với chỉ chân biên tập viên bình thường - há không phải là sự trừng phạt nặng nề nhất, một hình thức kỷ luật “mềm” không “chính danh” đó sao, há không phải là bứng thẳng vào gốc của tờ báo đó sao?
Vậy, quay trở việc “làm gì?” trước tình thế này. Có lẽ đúng hơn hết, câu hỏi này nên dành cho các bạn tại Tuổi Trẻ, cho đồng nghiệp của Trương Quang Vĩnh và Huỳnh Sơn Phước trên khắp đất nước - các đại nhà báo lẫy lừng và những trung, tiểu nhà báo có tâm, tức người có nhiều quan hệ xã hội và quan hệ chính trị, cũng như có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến công luận; chứ không phải cho tôi - một người chuyên tâm cho việc nghiên cứu và dịch thuật chuyên môn, một cách đơn lẻ…
Khi tôi viết Hãy “dám đương đầu khi cơ hội đến” - Thư ngỏ gửi báo Tuổi Trẻ, post tại blog của mình và chuyển bằng đường email đến Tuổi Trẻ, đã (đương nhiên) không nhận được phản hồi từ tờ báo cũng như các thành viên của nơi này, ngoài (chỉ) một vài người nơi đây (dám) mời add tôi vào Friends List hay có ý kiến ẩn danh nào đó. Điều này có thể vì blog của tôi thuộc loại ít được biết đến, không nằm trong cụm các blog của giới truyền thông và giải trí, mà cũng không thể loại trừ nguyên nhân là Thư ngỏ của tôi một mặt công kích chủ trương “tém lề” truyền thông và thông tin, một mặt kêu gọi thái độ đấu tranh để “bảo vệ bản sắc của tờ báo, bảo vệ những con người dám đứng lên bảo vệ bản sắc đó”.
Nay thì Trương Quang Vĩnh và Huỳnh Sơn Phước đành ngậm ngùi ra khỏi Tuổi Trẻ và - cay đắng hơn - ra khỏi làng báo, với tư cách những cá nhân, theo tôi, chính là vì tập thể này đã không hành động đủ với tư cách một tập thể để bảo vệ lấy mình - chứ không phải đơn giản là bảo vệ Quang Vĩnh và Sơn Phước.
Một blogger đã đặt vấn đề Hội Nhà báo Việt Nam có đứng ra “bảo vệ” cho hai nhân vật của Tuổi Trẻ trước việc thuyên chuyển này. Câu trả lời dễ thấy trước, nếu có thì đã có rồi, trong từng ấy thời gian khi sự việc bắt đầu nổi lên, và 99% là đến khi hoàn toàn êm xuôi, cũng không có ý kiến phản đối từ nơi này. Câu hỏi này thực tế chỉ mang tính thách thức đối với “trách nhiệm” của “tổ chức nghề nghiệp” này chứ không thể trông mong. Mặt lý, với tư cách cơ quan chủ quản, Thành đoàn có quyền phân công hay thuyên chuyển. Mặt không phải lý (tức về từ ngữ là “phi” lý), trong một xã hội pháp quyền… phân nửa (hơi bị nói quá về định lượng) như nước ta đây, mọi hội đoàn thực chất đều giữ chức năng vinh danh quyền lực lãnh đạo và thay mặt quyền lực ấy quản lý về mặt nghề nghiệp đối với thành viên, thì trông mong vào sự “bảo vệ” nào đó là hơi ảo tưởng.
Vậy thì, nếu muốn bảo vệ mình - tức bảo vệ bản sắc riêng, và muốn bảo vệ các thành viên của mình - tức bảo vệ những con người đã định hình và duy trì bản sắc đó, Tuổi Trẻ phải dựa trước hết vào sức mạnh của chính mình, cùng với tác động của một công luận chính trực. Tuổi Trẻ có sức mạnh đó hay không? Rõ ràng là có. Xin nhắc lại một ý, là “một khi tryền thông là một thành phần trong cơ cấu quyền lực xã hội thì tác động từ dưới lên và từ ngoài vào là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Việc áp đặt cho Tuổi Trẻ từ trên xuống là điều mà chính tờ báo cũng có thể chủ động tác động ngược lại, bằng tất cả sức mạnh tổ chức, uy tín thông tin và uy tín xã hội mà tờ báo đã có”.
Nói cho văn hoa chứ điều đó đơn giản chỉ là việc Tuổi Trẻ tự đấu tranh để giữ vững sự tồn tại của chính mình. Mọi sự đấu tranh đều luôn đi kèm với hình thức phản kháng. Trước đây, khi sự việc mới nổ ra, một số thành viên Tuổi Trẻ đã viết tâm thư cho Tổng biên tập Lê Hoàng, đó là hình thức phản kháng tập thể. Lê Hoàng đặt vấn đề về nội dung chủ quản của Thành đoàn, đó cũng là một hình thức phản kháng. Thế nhưng sự đấu tranh-phản kháng này đã không được khai thác hết từ chính năng lực tự thân của nó.
Tại sao Tuổi Trẻ lại không nghĩ đến một kiến nghị tập thể và công khai, gửi đến Thành đoàn?
Tại sao không đưa lên mặt báo của mình chính vấn đề gây biết bao bức xúc ngay bên trong Tuổi Trẻ và giới bạn đọc lưu tâm, để tập hợp sự ủng hộ của dư luận?
Tại sao lại không dám nghĩ đến việc tác động quyết liệt hơn nữa nếu những tiếng nói hợp lý cứ bị phớt lờ, bằng cách tự đình bản để phản đối?
Tại sao lại không có một cuộc “bãi công” bên ngoài trụ sở tờ báo hay tại đâu đó có liên quan?
Hoặc, “tiêu cực” hơn, tại sao lại không dám nghĩ đến việc không thừa nhận sự áp đặt này bằng chính sự phản kháng mà Quang Vĩnh đã làm, là “xin” nghỉ việc tập thể (cho dù chỉ ở nhóm những người vững danh và vững thế) cùng với một tuyên bố công khai, rõ ràng về sự phản kháng của mình, để phản đối?...
Đó hoàn toàn là những điều mà luật pháp cho phép. Những hành động phản kháng này nếu được thực hiện, trước sức ép của công luận, có lẽ cơ quan chủ quản không thể không tính đến một giải pháp thỏa hiệp (cho dù không tránh khỏi sẽ có người nói rằng tôi ảo tưởng về sự thực hành dân chủ trong một xã hội dân chủ… một nửa!).
Tất nhiên cũng sẽ có ý kiến nói rằng người bên ngoài nói suông thì dễ, chứ bên trong thì bao nhiêu vấn đề đặt ra. Hoàn toàn đúng như vậy. Tuy nhiên, có dễ hay khó, nếu không bao giờ bắt tay vào thực hiện thì làm gì có cơ hội nào cho thành công, và nếu ngay cả việc nghĩ đến những biện pháp đó mà còn không dám nghĩ, thì làm gì có chuyện tính đến những giải pháp khả dĩ đi kèm để hạn chế mặt tiêu cực phát sinh (ví dụ tự đình bản thì các hợp đồng quảng cáo tính sao, nguồn thu hàng ngày tính sao?).
Ai cũng biết là không một tập thể nào là hoàn toàn đồng nhất. Chắc chắn rằng nội bộ Tuổi Trẻ cũng đã phân hóa trong việc này. Các cơ quan quyền lực và những người có thế lực muốn thực hiện việc thay máu Tuổi Trẻ chắc rằng trong thời gian qua đã khai triển nhiều biện pháp ly gián, những “tác động” tư tưởng, những chiêu dụ chức, quyền… mà những người chính trực chỉ còn biết chào thua. Vai trò người đứng đầu trong những tình huống sinh tử này rất quan trọng, nhưng cho dù Lê Hoàng - theo ý kiến nghe được từ người trong giới - là một người “hiền hòa”, chỉ muốn lánh khỏi nơi dầu sôi lửa bỏng Tuổi Trẻ, tôi vẫn nghĩ một tập thể như Tuổi Trẻ không phải lúc này đã hoàn toàn bị “bình định” để mà tuyệt đối buông xuôi.
Có thể cũng có ý kiến cho rằng phải chấp nhận sự sắp đặt này, phải chịu hy sinh, sự nghiệp lớn vẫn là Tuổi Trẻ - tức những người ở lại - tiếp tục giữ vững bản sắc của tờ báo. Điều này có thể được minh chứng bằng chính việc trước đây cho dù có bứng đi Kim Hạnh, rồi Lê Văn Nuôi, thì bất kỳ ai về Tuổi Trẻ, kể cả Lê Hoàng, cũng phải vận động theo bản sắc đã có của tờ báo. Nghe có vẻ hợp lý, lý thuyết quản trị cũng hàm chứa luận điểm này. Nhưng xin nhớ cho rằng bất kỳ bản sắc nào tồn tại được vẫn phải giữ vững những rường cột của nó, và bản sắc nội sinh sẽ chỉ thuần hóa được bản sắc ngoại sinh nếu cái ngoại sinh đó không phải là sức mạnh của một quyền lực áp đặt hoặc có sự hậu thuẫn của nó. Một khi hai rường cột Quang Vĩnh và Sơn Phước đã bị bứng đi, ai chắc rằng những cột cỡ trung, cỡ nhỏ còn lại sẽ không bị nhổ đi nhanh chóng sau đó? Ai chắc rằng những quyền lực mới - không phải đơn thuần là quyền lực chuyên môn hay tổ chức, mà là quyền lực chính trị và kinh tế đứng phía sau - sẽ không tức thì “tái sắp xếp” để bình định thái độ coi thường đã thể hiện thời gian qua đối với họ?
Trong sự việc này, cả lý và tình, chính nghĩa đang đứng về phía Tuổi Trẻ và những người chính trực của Tuổi Trẻ, công luận chắc chắn cũng đứng về phía đó, nếu các bạn không đủ mạnh mẽ nắm để lấy cơ hội này nhằm đấu tranh cho sự tồn tại của mình, tôi tin rằng rồi thì từng người trong các bạn lại sẽ ngậm ngùi ra đi, để rồi chứng kiến một ngày không xa, cơ nghiệp Tuổi Trẻ và các bạn đã bỏ bao tâm huyết và công sức trở thành cái xác không hồn.
Dưới những thể chế thiếu vắng dân chủ, những người không có quyền lực, để phản kháng ôn hòa trước sự bất công của quyền lực, không thừa nhận sự áp đặt phi lý của nó nhằm giữ vững phẩm giá của mình, cuối cùng cũng chỉ là biết “tự sát” về mặt công việc, vị trí, kinh tế, danh xưng… trong phạm vi có liên quan, nhưng việc từ chối thừa nhận quyền lực của sự áp đặt như vậy đã là một sự khinh thị xác đáng đối với nó.
Anh Quang Vĩnh đã chọn giải pháp này trước sự bất lực của tập thể Tuổi Trẻ. Tôi ủng hộ sự cả quyết và mạnh mẽ của anh!
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thân phận của những con người bị vắt chanh bỏ vỏ, hành động thuyên chuyển này không chỉ là việc trấn áp nhắm vào riêng Tuổi Trẻ. Trong bối cảnh của những diễn tiến hiện nay và xuất phát công khai từ chính lãnh đạo ngành truyền thông, nhiều khả năng nó nằm trong bộ khung rộng lớn hơn nhiều, mà viễn cảnh chính là việc báo chí “được” đưa về lại ở vị trí không xa là mấy so với thời trước đổi mới. Do vậy, như đã nói ở Thư ngỏ, nếu Tuổi Trẻ chấp nhận phủ phục thì gần như chắc rằng sẽ không còn tờ báo nào giữ được khí phách và tính chiến đấu.
Vậy thì, nào Tuổi Trẻ, một khi các bạn đã bỏ rơi chính những rường cột của mình, thì tôi, với tư cách một độc giả lâu năm, đều đặn và liên tục của tờ báo, xin cùng quỳ với các bạn, và chúng ta, cùng với mọi người, sẽ cùng “chết chùm” vì quỳ!
-
(Bài đã đăng tại talawas, 04.12.2007)
tay chay hang hoa trung quoc thoi ba con oi
Trả lờiXóaLàm báo ở một nước "văn minh" là như thế đấy bác ạ. Đó gọi là nền báo chí vì dân mà phục ... kích (chứ không phải "vụ")
Trả lờiXóa