6 thg 1, 2008

LUẬN CỨ BIỆN HỘ (PHẦN CUỐI)

5aa3

Cơ quan điều tra không chứng minh HỌ đã có kế hoạch tuyên truyền cho học thuyết nào, với mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, phương tiện hoạt động và bộ phận chỉ đạo như thế nào?

Trong phiên xử sơ thẩm, động từ tuyên truyền đã bị hiểu đơn giản là hành vi nói hay viết một điều gì đó cho người khác nghe một vài lần. Nếu hiểu tuyên truyền theo nghĩa đó thì bất cứ ai trao đổi điều gì với người khác cũng có thể bị xem là phạm pháp nếu công an cho rằng điều đó có mục đích chống Nhà nước. Hiểu theo nghĩa đó thì bất cứ lời phát biểu bất mãn nào dù ở trong quán nhậu hay phạm vi gia đình đều là hành vi phạm pháp. Với cách hiểu như thế, số người vi phạm pháp luật ở Việt Nam sẽ rất lớn. Hậu quả là các cơ quan thi hành luật sẽ xử lý không xuể các trường hợp phạm tội.

Về mặt hình thức, những điều mà hai nhà bất đồng chính kiến đã làm không có qui mô của hành vi tuyên truyền, nếu hiểu từ ngữ này theo đúng nghĩa của nó. Đối với LS. Đài chỉ mới gặp có một lần cả 03 người sinh viên Hà Nam, có một người đã gặp 03 lần, mỗi lần từ 30 đến 90 phút, trong đó nội dung trao đổi luôn bị thay đổi, bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau từ hỏi thăm cá nhân, tư vấn pháp lý, các vấn đề triết học, nhân quyền và thời sự.

Toà dẫn chứng rằng Ls. Đài đã viết 2 bài “Quyền tự do thành lập đảng” và “Dân trí Việt Nam có đủ khả năng xây dựng chế độ đa đảng” và gửi đăng trên đài BBC ở Anh Quốc. Nhưng 02 bài này không mang nội dung chống Nhà nước, như tôi đã phân tích trong vấn đề Đảng và Hiến pháp ở trên.

Những bài này, rõ ràng nhất là bài thứ 2, mang tính cách đóng góp cho một cuộc thảo luận công khai trên một trang web truyền thông và không mang tính tuyên truyền. Như đã đề cập ở trên các nhân viên của VPLS THIÊN ÂN đều khai rằng họ không hoạt động tuyên truyền và không bị NVĐ lôi kéo vào các hoạt động này.

Ông Phạm Văn Trội cũng khai rằng ông tự ý tìm đến gặp LS Đài để nhờ tư vấn về nhân quyền và pháp luật chứ không phải để hoạt động tuyên truyền. Tất cả những người này đều có trình độ đại học nên biết rõ điều họ đã làm. Tại phiên Tòa sáng nay, chúng tôi đã hỏi rất kỹ các nhân chứng v/v cái gọi là lớp học có giống như các lớp học họ đang theo học tại khoa báo chí không thì họ nói, họ chỉ mới đến một, hai lần và đến vì đi theo bạn, tò mò và qua trao đổi ngắn thì thấy hai LS này có quan điểm khác với Nhà trường của họ. Họ nói đó chỉ là các việc trao đổi ngắn không phải là lớp học như cáo trạng đã hoàn toàn căn cứ theo kết luận của cơ quan điều tra và bản án sơ thẩm cũng chẳng làm gì khác hơn là xét theo KLĐT, Cáo Trạng và xét xử không xét hỏi nhân chứng một cách thận trọng như sáng nay các LS chúng tôi đã hỏi-các nhân chứng đã trả lời hoàn toàn khác với kết luận điều tra và cáo trạng đã nêu.

Việc làm thiếu thận trọng trên chỉ muốn kết tội hai LS này là tuyên truyền chống Nhà nước XHCNVN.Thực ra như đã phân tích việc làm của hai LS hoàn toàn có căn cứ pháp luật theo các điều ước Quốc tế về nhân quyền mà VN đã gia nhập. Suốt trong qúa trình hành nghề của hai LS, họ hoàn toàn tuân thủ pháp luật và không bị Đoàn Luật sư hay các cơ quan hành chánh quản lý Nhà nước phạt vi phạm hành chánh gì cả.

.

Về mặt khác, trang 7 của bản án Sơ thẩm ghi: Ông NVĐ đã viết một số bài và trả lời phỏng vấn trên một vài trang internet và kết luận những điều ông Đài nói hoặc viết là “sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, kích động nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi thay đổi chế độ, v.v…. Toà sơ thẩm không vạch được ra những điều cụ thể nào do ông NVĐ trực tiếp viết hoặc nói ra mà bị toà xem là “xuyên tạc chính quyền nhân dân”.

.

Theo Bách khoa toàn thư, xuyên tạc là “trình bày sai sự thật với dụng ý xấu”, còn chính quyền là “bộ máy điều hành, quản lí công việc của Nhà nước”. Như vậy nếu điều được trình bày là đúng sự thật thì đó không phải là xuyên tạc. Ngay cả khi điều được trình bày đúng sự thật ấy có nhằm phê phán chính quyền thì hành vi này cũng không nằm trong phạm vi truy tố của điểm a, khoản 1 của Đ.88 BLHS vì điều này chỉ qui định về việc xuyên tạc.

Trong lãnh vực nhân quyền, qua nghiên cứu các bài viết của LS Đài có thể khẳng định rằng những điều mà Ls. Đài từng phát biểu đều có cơ sở thực tế, có chứng cứ, có nhân chứng nên không thể sai sự thật. LS Đài vốn biết rằng nhân quyền là lãnh vực mà chính quyền xem là nhạy cảm nên đã làm việc rất cẩn thận và trung thực, không bao giờ dám phóng đại hoặc vu cáo.

Phỉ báng là “chê bai, nói xấu” và thường tùy thuộc vào quan điểm cá nhân. Theo tôi, đối với bất cứ việc làm nào cũng có người khen, kẻ chê. Cho nên đòi hỏi không có lời chê là một đòi hỏi không thực tế. Cấp Sơ thẩm đã dẫn chứng rằng Ls. Đài nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam” trong khi vấn đề này lại hoàn toàn nằm ngoài phạm vi truy tố của Đ. 88 BLHS 1999. Cấp sơ thẩm đã không phân biệt rạch ròi chính quyền với chế độ XHCN và Đảng CSVN. Cần nói thêm rằng chỉ có BLHS của năm 1985 mới có tội danh “Tuyên truyền chống chế độ XHCN” (Đ. 82) mà thôi. BLHS 1999 đã bỏ điều này.

Ông NVĐ là một luật sư nhân quyền. Để giúp thân chủ đòi hỏi quyền lợi chính đáng và hợp pháp, ông Đài có quyền và có trách nhiệm nâng cao sự hiểu biết của mình bằng cách nghiên cứu các luồng tư tưởng và các quan điểm trên các lĩnh vực khác nhau của xã hội.

.

Phiên tòa Sơ thẩm đã kết án ông Đài vì tội “tàng trữ, lưu hành tài liệu chống Nhà nước”. Theo tôi, vì các nhà làm luật Việt Nam chưa làm rõ được các khái niệm “tàng trữ và lưu hành” trong thời đại mới nên họ đã để cho các qui định này của Đ.88 BLHS làm mất đi các nội dung giá trị của các quyền hiến định về dân sự của công dân như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền nghiên cứu khoa học và quyền được tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước.

Nội dung của Đ.88 Bộ Luật Hình sự đang có mâu thuẫn trầm trọng với nội hàm của quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo (Đ.51 Bộ Luật Dân sự 2005) và chức năng xã hội của luật sư (Đ.3, Luật Luật sư 2006), trong đó chức năng xã hội của luật sư là “góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” . Ở đây rõ ràng các nhà làm luật Việt Nam cần điều chỉnh các quy định để bảo đảm tính nhất quán của các quyền hiến định đối với các bộ luật.

.

Để kết tội “làm ra, tàng trữ, lưu hành" của Đ.88 BLHS, cấp Sơ thẩm đã sử dụng 121 đầu tài liệu thu giữ được ở nhà hoặc văn phòng của LS Đài. Qua xét hỏi sáng nay tại phiên Tòa Phúc thẩm thì ông Đài khẳng định ông không phải là tác giả của tòan bộ các tài liệu này như cáo trạng và bản án cấp Sơ thẩm đã viết.

Cấp Sơ thẩm đã không phân loại tính chất và phân tích nội dung của 121 tài liệu này. Ông Đài thừa nhận có viết 02 bài “Quyền tự do thành lập đảng” và “Dân trí Việt Nam có đủ khả năng xây dựng chế độ đa đảng” Bản án Sơ thẩm trang 4&5 “có nội dung bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng trong điều kiện hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam không đủ năng lực để lãnh đạo cách mạng nên cần phải có một đảng khác thay thế hoặc phải đa nguyên, đa đảng mới đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói”.

Việc Ls. Đài viết hai bài này hoàn toàn nằm trong phạm vi của quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp 1992 và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị quy định.

Ngoài ra theo phân tích ở trên, cấp Sơ thẩm không cơ sở để qui kết 02 bài viết của Ls. Đài có tính cách chống Nhà nước. Cách dùng từ như “bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam” cho thấy cấp Sơ thẩm đã tìm cách áp đặt quan điểm chủ quan của mình và đi ra ngoài phạm vi truy tố của Đ. 88 BLHS.

.

Ngoài ra bản án Sơ thẩm (trang 6) đã kết luận rằng ông Đài là “người trực tiếp soạn thảo ‘Điều lệ Đảng Dân chủ’ … của Hoàng Minh Chính”, mặc dù trong phiên xử, toà đã không tìm đủ chứng cứ để buộc tội ông Đài về điểm này. Khi chưa có biện pháp xử lý đối với Đảng Dân chủ 21 mà đã buộc tội ông Đài về việc có liên quan đến đảng này. Do đó sự cáo buộc Nguyển Văn Đài “làm ra tài liệu chống Nhà nước” là vô căn cứ.

.

Nói về Tàng trữ-theo Bách khoa toàn thư là việc cố ý “cất giấu cẩn thận, không muốn cho ai biết). Ở đây, các tài liệu thu được tại văn phòng cũng như nhà riêng là những tài liệu được NVĐ sử dụng làm tài liệu nghiên cứu nên anh ta không có ý định che giấu chúng. Các nhân viên công an theo dõi ông Đài trong những tháng qua có thể xác nhận rằng cửa của văn phòng luật sư Thiên Ân lúc nào cũng rộng mở cho mọi người ra vào và các máy tính ở đó cũng đã để cho nhiều người sử dụng chung cho nên cáo buộc anh ta bí mật cất giấu tài liệu là một cáo buộc phi thực tế.

Khi công an đến khám xét văn phòng cũng như nhà riêng của NVĐ, các tài liệu này đang ở trong 05 máy tính hoặc được để trên các giá sách và trong tủ tài liệu cùng với các tài liệu nghiên cứu về pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế cũng như các hồ sơ của khách hàng. Tính chất sưu tầm để nghiên cứu thể hiện rõ ở 02 điểm:

Thứ nhất, những tài liệu này thể hiện nhiều quan điểm khác nhau, có bênh, có chống, nằm lẫn lộn với những tác phẩm nghiên cứu và những tài liệu pháp lý.

Thứ hai, Ls. Đài không nhất thiết phải có cùng quan điểm với những tài liệu mà mình đang có. Thí dụ ông Đài không chống bầu cử trong khi vẫn giữ những tài liệu kêu gọi tẩy chay bầu cử của linh mục Lý.

Để nghiên cứu và tìm hiểu thấu đáo một vấn đề, không thể chỉ nghe người khác nói không thôi hoặc chỉ đọc những tài liệu được viết theo cùng một quan điểm.

Khi biết LS Đài quan tâm đến một số vấn đề, nhiều người đã đem đến trao tận tay hoặc gửi lại văn phòng một số tài liệu bị toà đánh giá là “cực kỳ phản động, bóp méo, xuyên tạc sự thật” như “Đảng cộng sản Việt Nam là nghiệp chướng”, “Nhật ký Dân oan” hay tài liệu của Quốc-Quốc. Trong phiên xử sơ thẩm, LS Đài trung thực nhận có giữ những tài liệu này mặc dù có nhiều tài liệu anh ta không hay biết là có trong văn phòng hoặc chưa đọc qua. Điều này thể hiện rằng LS Đài không có ý giấu diếm-ngay cả đối với những tài liệu bị cáo buộc nặng nề nhất-vì Ls. Đài tin vào quyền tự do ngôn luận, quyền tự do nghiên cứu hiến định của mình. Việc cáo buộc Ls. Đài tàng trữ đã vi phạm các quyền tự do hiến định.

.

Khái niệm tàng trữ tài liệu trong máy tính”. Trong thời đại nối mạng toàn cầu ngày nay, khái niệm này đã bị lỗi thời. Hàng ngày, dù muốn hay không, người sử dụng email đã phải nhận hàng trăm tài liệu từ những người quen lẫn người lạ. Nếu có siêng năng mà hủy các tài liệu này thì một người sử dụng máy tính bình thường cũng không thể xoá sạch vết tích trên máy tính được. Thông thường, ít ai có thể quản lý hữu hiệu được khối lượng email nhận được hàng ngày.

Ngoài ra mạng internet toàn cầu còn là một kho lưu trữ thông tin khổng lồ. Bất cứ lúc nào người sử dụng cũng có thể lên internet để lấy thông tin cần thiết, hoặc có thể lưu trữ thông tin riêng trên internet, mà không cần phải “tàng trữ” riêng trên máy tính cá nhân nữa. Do đó trong thời đại internet hiện nay, việc ấn định biên giới địa lý trong việc lưu trữ tài liệu là một hành động trái tự nhiên và không thể thực hiện hữu hiệu được trong thực tế.

.

Trong bản án sơ thẩm không có một chỗ nào cáo buộc rõ anh Đài về hành vi “lưu hành các tác phẩm, văn hoá phẩm có nội dung chống phá Nhà nước”. Lưu hành là “đưa ra sử dụng rộng rãi từ người này, nơi này đến người khác, nơi khác trong xã hội” (BKTT, sđd). Tuy nhiên trong phần xét về tội trạng của Ông NVĐ trong bản án sơ thẩm, trang 5 có đoạn ghi: “Các bị cáo đã phát tán các tài liệu này trên các phương tiện thông tin cho các tổ chức phản động người Việt tại nước ngoài”. Để loại bỏ mọi ngộ nhận, tôi giả thiết rằng toà hiểu phát tán là lưu hành. Ngay cả trong giả thiết này, việc cáo buộc đã thiếu hẳn sự chính xác cần thiết. Thay vì liệt kê cụ thể rằng NVĐ đã có những hành vi phạm tội gì, bằng phương tiện nào và ở đâu thì Toà lại mô tả sự việc bằng một chuỗi những từ không xác định như “các bị cáo”, “các tài liệu”, “các phương tiện thông tin”, “các tổ chức phản động” trong câu nêu trên. Trong bản án, cụm từ “các tài liệu này” chắc đã được dùng để chỉ 02 tài liệu “Quyền tự do thành lập đảng” và “Dân trí Việt Nam có đủ khả năng xây dựng chế độ đa đảng” đã được liệt kê ngay trong đoạn viết trước đó. Như đã phân tích ở trên, cấp Sơ thẩm không có cơ sở để cáo buộc 02 bài viết của Ls. Đài có mục đích chống Nhà nước.

Đài BBC là một cơ quan truyền thông hoạt động có uy tín trên thế giới từ nhiều năm qua có thể nói không quá đáng là không một trí thức, một nhà lãnh đạo nào mà không nghe các thông tin của BBC/Vietnamese. Không ai có thể nói rằng đài BBC là của người Việt ở nước ngoài hoặc là phương tiện thông tin của các tổ chức phản động người Việt tại nước ngoài. Nhiều nhân viên cao cấp chính phủ, đại biểu Quốc hội, cán bộ nghiên cứu nước ta đã thường lên đài này để phát biểu, trong số đó có nhiều ý kiến phê phán chính quyền khá mạnh mẽ. Toà không có chứng cứ nào về việc NVĐ phát tán 02 tài liệu này đến các cơ quan truyền thông khác.

Trong thời đại internet, các tờ báo và trang web có thể dễ dàng sao chép, sử dụng, nhân rộng các thông tin có sẵn tại một trang web khác để làm rộng đường dư luận mà không cần phải xin phép tác giả. Tóm lại kết luận cho rằng NVĐ đã thực hiện hành vi lưu hành tác phẩm có nội dung chống phá Nhà nước là hoàn toàn vô căn cứ.

Kết luận và kiến nghị với Hội đồng xét xử cấp Phúc thẩm:

Trong kháng cáo của Ls.Đài đã khẳng định anh là một người yêu nước. Là một luật sư nhân quyền, anh Đài đã hết lòng bảo vệ quyền công dân hiến định và đã đấu tranh phê phán những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của những nhân viên và cơ quan nhà nước. Trên thực tế, những đóng góp trong lãnh vực tự do tôn giáo của NVĐ đã giúp Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền và nâng cao uy tín với thế giới. Những đóng góp này cũng giúp cho chính quyền hiểu hơn về những người theo đạo Tin lành và từ đó giúp cho tình hình Việt Nam thêm ổn định..

Việc bắt giam và xét xử NVĐ đã không được thực hiện một cách hợp pháp và đúng thủ tục qui định. Cơ quan công an đã điều tra về các việc làm của NVĐ đưa ra những suy đoán buộc tội thiếu cơ sở. Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tiếp nhận thiếu suy xét những kết luận này để buộc tội và kết án LS Đài theo Đ.88 BLHS.

Ls. Đài đã thực thi có ý thức quyền tự do ngôn luận của mình. Quyền dân sự của công dân này được bảo vệ bởi Hiến pháp 1992. Quyền hiến định này cũng được bảo vệ một cách vững chắc về pháp lý bởi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị kể từ khi Nhà nước CHXHCNVN ký kết tham gia công ước này vào năm 1982 và bởi Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế vào năm 2005. Như thế, công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ và trọn vẹn quyền tự do ngôn luận theo qui định của điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà không chịu bất cứ một giới hạn luật định nào khác. Luật quốc tế xem hành vi bày tỏ ý kiến phản đối chính quyền một cách ôn hoà là không phải là tội phạm hình sự. Như vậy hành động đấu tranh, phê bình, chỉnh sửa một cách ôn hoà, bằng lời nói hay bằng chữ viết của NVĐ đối với các cơ quan hoặc nhân viên Nhà nước cần được xem là những hành vi hợp pháp.

Dù đứng trên quan điểm của luật hình sự Việt Nam, những lý luận buộc tội Ls. Đài cũng không đứng vững. Để cáo buộc NVĐ tội chống Nhà nước CHXHCNVN, Toà đã viện dẫn lý do LS Đài chống Hiến pháp, có liên lạc với những những người Việt Nam lưu vong, có ý thức chống Nhà nước quyết liệt và là thành viên của những tổ chức chống Nhà nước CHXHCNVN. Nhưng tất cả các cáo buộc này đều sai vì đã dựa trên một sự ngộ nhận về tính duy nhất của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và dựa vào những suy luận, võ đoán, gán ghép vô căn cứ và phi thực tế về một số cá nhân và tổ chức ở trong và ngoài nước. Vì không chứng minh được rằng NVĐ có ý thức chống Nhà nước-là yếu tố chủ quan của tội phạm-nên hành vi phạm tội theo Đ.88 BLHS cũng đã không được cấu thành.

Ngoài ra, như tôi đã phân tích ở trên, Nhà nước cần xét lại toàn bộ nội dung của Đ.88 BLHS để bảo đảm tính nhất quán với các bộ luật khác, với Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Đ.88 BLHS hiện có những khái niệm rất mơ hồ và bao quát nên đã tạo cơ hội cho các cơ quan thi hành pháp luật diễn giải sai, tuỳ tiện hay độc đoán khiến cho việc áp dụng luật pháp không còn nghiêm minh nữa.

Sau khi phân tích lại toàn bộ vụ án của LS. Nguyễn Văn Đài và Ls.Lê Thị Công Nhân, tôi kiến nghị cấp Phúc thẩm những điều sau đây:

LONG TRỌNG KIẾN NGHỊ TRƯỚC KHI TIẾP TỤC XÉT XỬ CẦN THIẾT :

- DO CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐẶC BIỆT LÀ CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG Ở CẤP SƠ THẨM ĐÃ KHÔNG CẨN TRỌNG XEM XÉT VÀ KIẾN NGHỊ CÁC CƠ QUAN CẤP TRÊN CỦA HỌ LÀ VKSNDTC VÀ TANDTC ĐỀ YÊU CẦU QUỐC HỘI, ỦY BAN TVQH XEM XÉT TÍNH CHẤP HỢP PHÁP, HỢP HIẾN CỦA ĐIỀU 88 LUẬT HÌNH SỰ.

- DO VẬY, KÍNH ĐỀ NGHỊ tại phiên Tòa cấp Phúc thẩm, HĐXX và đại diện VKSNDTC yêu cầu ông Chánh án TANDTC, ông Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị Quốc Hội xem xét điều 88 Bộ Luật Hình sự có trái với nội dung của các điều khoản về Quyền của công dân tại điều 53, điều 59 và điều 69 của Hiến pháp.

Đây là điều rất bình thường trong tố tụng ở các Tòa Án các nước. Ở VN theo chúng tôi được biết chưa có tiền lệ này. Tại phiên Tòa hôm nay, kính đề nghị TANDTC và VKSNDTC căn cứ vào các điều 52, và khoản 2 điều 81 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên và cần thiết yêu cầu Quốc Hội:

1-Xem xét và Giải thích Điều 88 của Bộ Luật Hình sự có trái với Hiến pháp năm 1992 hay không?

2- Xem xét và đối chiếu với các công ước VN đã gia nhập với điều 88 của Bộ Luật HS và Căn cứ khoản 2 điều 6 Luật ký kết gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 thì hiệu lực của điều 88 là như thế nào? Áp dụng các điều ước Quốc tế, đặc biệt về nhân quyền mà VN đã gia nhập thay vì áp dụng điều 88 Bộ Luật HS đối với hai bị cáo.

.

Bởi các lẽ trên, HĐXX cần xem xét yêu cầu của các Luật sư chúng tôi-tạm thời ngưng việc xét xử để TANDTC và VKSNDTC có văn bản gửi đến UBTVQH vì Quốc Hội thực hiện quyền hiến định là GIẢI THÍCH LUẬT VÀ GIÁM SÁT VIỆC XEM XÉT ĐIỀU 88 CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ CÓ TRÁI VỚI HIẾN PHÁP không?

Về điều 88 Bộ Luật Hình sự đối với Hiến pháp và các công ước Quốc tế về Nhân quyền mà VN đã gia nhập có mâu thuẫn không?

Làm được điều trên, mới là có tinh thần bảo vệ Hiến pháp và Pháp luật của quốc gia VN.

.

Với các đề nghị nêu trên, sau khi có được sự trả lời chính thức của Quốc Hội, UBTVQH , tôi kính yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên:

a). Huỷ bản án Sơ thẩm số 153/2007/HSST ngày 11.5.2007. Đình chỉ vụ án theo Đ.251 của BLTTHS vì các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS. Hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân thực sự vô tội theo nguyên tắc “Không có tội khi không có luật” theo Điều 2 của BLHS;

b). Trả tự do ngay cho hai Luật sư Nguyễn văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

c). Hoàn trả các tài sản bị tịch thu; đối với các tài liệu thu thập được tại VPLS Thiên Ân mà ông Đài không thừa nhận là của ông do của bá tánh mang lại, nếu thấy có hại thì tuyên tiêu hủy .

d). Phục hồi danh dự cho LS Nguyễn văn Đài bằng cách hủy bỏ quyết định thu hồi thẻ luật sư và giấy phép hành nghề của văn phòng luật sư Thiên Ân.

a) Bài Luận cứ này cũng như các Luận cứ của các LS chúng tôi đã tham khảo đầy đủ các ý kiến của diễn đàn, trí thức, Luật sư trên thế giới, của một số cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã quan tâm và bày tỏ ý kiến trên mạng Internet về số phận của hai LS trước khi phiên Tòa Phúc thẩm xét xử.

Luận cứ bào chữa này cũng đã truyền tải một số ý kiến của bà Vũ Minh Khánh-vợ Luật sư Nguyễn văn Đài đã muốn đưa ra các Luận cứ xác đáng nhằm cung cấp cho HĐXX hiểu rõ hơn về các việc làm của chồng bà, các điều này được bà cung cấp cho Qúy Tòa có trong bút lục hồ sơ vụ án .

Trân trọng cám ơn sự quan tâm của Hội đồng xét xử.

.

LS. ĐẶNG TRỌNG DŨNG (ĐẶNG DŨNG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét