Được phép của Hội Đồng xét xử, Tôi-LS. Đặng Trọng Dũng (tức Đặng Dũng) của VPLS Đặng Dũng & Ninh Hòa thuộc ĐLS/TP.HCM-là LS. bào chữa cho bị cáo LS. NGUYỄN VĂN ĐÀI bị truy tố về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN “ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự .
LS.Nguyễn Văn Đài đã bị Tòa Sơ thẩm TAND/TP.Hà Nội xử phạt 05 năm tù và quản chế 04 năm sau khi mãn hạn tù. Cùng với LS. Đài, có LS. Lê Thị Công Nhân cũng bị truy tố về tội danh này. Tôi cũng sẽ có Luận cứ bảo vệ bị cáo LS. Lê Thị Công Nhân ngay sau đây cùng với các đồng nghiệp của tôi.
Ông Nguyễn văn Đài đã kháng cáo bản án Sơ thẩm vì ông Đài khẳng định ông KHÔNG TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CHXHCNVN. Các hành vi của ông chỉ thực hiện quyền công dân, quyền chính trị. Các hành vi đó là một sự bày tỏ, phản kháng, nói CHÍNH XÁC là bất đồng chính kiến.
Chúng tôi là các LS đã được gia đình bị cáo mời biện hộ từ cấp Sơ thẩm nhưng do bận rộn và có những lý do riêng nên chưa nhận lời. Lần này tại phiên tòa cấp Phúc thẩm, gia đình có mời và đích thân bị cáo LS Nguyễn văn Đài đã đồng ý nên chúng tôi đã đồng ý biện hộ. Điều chúng tôi nhận lời là do hoàn cảnh chính trị và kinh tế của nước ta có sự thay đổi rõ nét, sự việc đã được nhìn nhận trong bầu không khí chính trị bình tĩnh hơn để LS chúng tôi không bị những áp lực nặng nề, ảnh hưởng đến việc bào chữa cho bị cáo.
Để có thể làm tốt được chức năng và nhiệm vụ của Luật sư, chúng tôi cũng mong muốn HĐXX căn cứ theo Luật Tố tụng Hình sự, tạo điều kiện cho LS và kể cả bị cáo nguyên là Ls. Nguyễn văn Đài và Ls. Lê thị Công Nhân được trình bày quan điểm bào chữa của chính bị cáo và tranh luận với Đại diện VKSNDTC theo tinh thần cải cách tư pháp vì chỉ có qua tranh luận thẳng thắn như vậy mới mong HĐXX có một quyết định có lý, có tình soi rọi được đến tận cùng các vấn đề chưa được xem xét một cách đầy đủ và chính xác.
.
Tôi xin được phép trình bày Luận cứ bào chữa của tôi cho bị cáo Ls. Nguyễn Văn Đài:
Vụ án đã được sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế và trong nước, hơn 600 tờ báo đã đề cập đến vụ án này. Nhiều lãnh đạo thế giới, nhiều chính trị gia, trí thức và các tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối, bình luận về sự việc điều tra, truy tố, xét xử hai bị cáo nguyên là luật sư. Tại sao vụ án được sự quan tâm rộng lớn như vậy? Câu trả lời không khó. Đó là sự quan tâm của họ về nền dân chủ của chúng ta, hiến pháp và hệ thống luật pháp của chúng ta. Là thành viên thứ 150 của tổ chức WTO và được hơn 170 quốc gia bỏ phiếu để Việt Nam trở thành ủy viên trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Họ nghĩ rằng đất nước chúng ta và đặc biệt người dân chúng ta xứng đáng được hưởng một nền dân chủ đích thực hơn nữa, việc phê bình chỉ ra những yếu kém trong tổ chức guồng máy Nhà nước là một điều bình thường ở các quốc gia Tây phương và kể cả các quốc gia đang phát triển.
.
Bản thân các Luật sư tại TP.HCM có mặt trong pháp đình ngày hôm nay đã từng là đồng nghiệp với hai bị cáo nguyên là Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm là người cùng với Luật sư Nguyễn Văn Đài trong dự án “Vì công lý” và tôi Luật sư Đặng Dũng đã từng phản biện với Luật sư Đài trên diễn đàn của BBC về việc “Thành lập Đảng tại Việt Nam”. Nói một cách đầy đủ là các Luật sư chúng tôi ngoài việc hành nghề về dịch vụ pháp lý còn quan tâm, nghiên cứu về các vấn đề dân chủ, hiến pháp, nhân quyền tại đất nước chúng ta. Do hiện nay mạng Internet rất phổ cập tại VN nên nó là một phương tiện hữu hiệu để các Luật sư có thể nhanh chóng trao đổi các ý kiên pháp lý về các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội.
Là LS chúng tôi ý thức LS được công ước của Liên Hiệp Quốc quan tâm và dành cho những trọng trách trong việc bảo vệ nhân quyền cho người dân như trong thư của LS Chủ tịch Hiệp Hội LS thế giới đã quan tâm và gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng việc hai LS hội viên của tổ chức này là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị bắt và bị truy tố xét xử mà họ không được hưởng những điều được ghi trong tuyên ngôn về Quyền của người bào chữa đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 09.12.1998, tại điều 1 của bản Tuyên ngôn này đã ghi:
"Mọi người đều có quyền, tự mình hoặc cùng với người khác nhằm thúc đẩy và đấu tranh cho việc bảo vệ và thực hiện quyền con người và những quyền tự do căn bản ở phạm vi quốc gia và quốc tế".
Bên cạnh đó, tại điều 23 của "Những nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư" được Đại hội đồng Liên hiệp quốc ủng hộ năm 1990, điều này qui định:
"Luật sư cũng như mọi công dân khác có đầy đủ quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng, lập hội và hội họp. Đặc biệt, các luật sư còn có quyền tham gia vào các cuộc tranh luận công khai về các chủ đề luật pháp, hành chính tư pháp, khuyếch trương và bảo vệ các quyền con người, gia nhập hoặc lập các tổ chức ở tầm địa phương, quốc gia, quốc tế và tham gia các cuộc họp của các tổ chức này, mà không sợ bị khó khăn trong công việc luật sư vì các hoạt động đúng pháp luật của họ, hay tư cách thành viên của họ trong các tổ chức hợp pháp."
.
Có thể nói đầy đủ rằng chúng tôi hiểu và chia sẻ những suy nghĩ của hai Luật sư bị cáo ngày hôm nay. Điều này sẽ rất thuận tiện để chúng tôi trình bày trước HĐXX về nội dung vụ án của hai Luật sư bị truy tố: ‘Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam”.
.
- Như trong kháng cáo của bị cáo Ls. Nguyễn Văn Đài về phần hình thức, tố tụng bản án sơ thẩm đã có quá nhiều sai sót mà hai luật sư lão thành là người đã bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm đã nắm rất rõ và trình bày tại phiên tòa ngày hôm nay.
Trong hướng cải cách tư pháp thì gần đây chúng ta đã chứng kiến rất nhiều bản án đã bị hủy do thiếu sự tham gia của luật sư tại các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Đối với vụ án này trước hàng loạt các sai phạm về mặt tố tụng hình sự thì chúng tôi kiến nghị HĐXX xem xét để hủy bản án cấp sơ thẩm đã tuyên. Chúng tôi mong được tranh luận với đại diện VKS về những điều sai sót tố tụng mà các luật sư chúng tôi nêu ra trong phiên tòa Phúc thẩm.
- Về mặt nội dung của việc truy tố về tội tuyên truyền: Việc điều tra truy tố và xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm cũng đã làm quá nhanh gọn không tôn trọng tinh thần và nội dung của cải cách tư pháp, thiếu việc tranh luận, phân tích, dẫn chứng về các sai phạm của các bị cáo đặc biệt là về các hành vi của bị cáo Luật sư Đài về: kêu gọi thành lập Đảng tại VN, trả lời phỏng vấn đối với các báo đài như BBC, RFA…
Phiên tòa sơ thẩm đã không cho các luật sư tranh luận chi tiết với đại diện VKS cho thấy HĐXX cấp sơ thẩm không tôn trọng cơ quan tiến hành tố tụng là VKS và người tham gia là các luật sư chúng tôi.
Do vậy, tại phiên tòa cấp Phúc thẩm, chúng tôi mong được HĐXX tạo mọi điều kiện để chúng tôi và phía công tố tranh luận sòng phẳng về các cáo buộc đối với hai bị cáo.
Cụm từ “tranh luận sòng phẳng” là cụm từ được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt bình luận về vụ án. Tôi và Luật sư Bùi Quang Nghiêm vừa hoàn thành nhiệm vụ trong vụ án xử phúc thẩm bị cáo-bác sỹ Lê Nguyên Sang tại TP.HCM vào tháng 08/2007. HĐXX cấp Phúc thẩm đã cho phép chúng tôi phân tách, tranh luận về nội dung các tờ truyền đơn mà không lo ngại về việc “phạm húy”.
Nhận thức về cách thức giải quyết các vấn đề pháp lý tại VN trong hơn 30 năm qua sau khi đất nước thống nhất sau 1975, trong tư tưởng của các Nhà làm luật và các người thi hành pháp luật và người dân VN đã có cách hiểu khác nhau và khoảng cách này rất là lớn. Do đó trong thực tế, cuộc sống đã xảy ra các mâu thuẫn, các đối kháng trong xã hội dẫn đến các bất ổn đáng lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được.
Lấy thí dụ trực tiếp và cụ thể, đối chiếu với vụ án này đó là điều 69 trong Hiến pháp ghi nhận như sau : “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập Hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”.
Về phía Nhà nước trong thực tế hiểu vấn đề rằng khi chưa có các đạo luật thì phía Hành pháp, Chính phủ, Nhà nước làm ra các văn bản dưới luật tức là các Nghị định để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội trong cuộc sống. Đó là tư duy về phía Nhà nước tức là NGƯỜI DÂN PHẢI LÀM THEO QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT!!
Về phía người dân, các nhà trí thức và đặc biệt là giới Luật sư-họ hiểu việc thực thi luật pháp có phần tiến bộ hơn, gần với cách hiểu, nhận thức về Luật pháp GIỐNG NHƯ CỦA NGƯỜI DÂN CÁC QUỐC GIA KHÁC, đó là khi chưa có các đạo luật được làm ra thì cần thiết phải tôn trọng đạo luật số 1, đạo luật căn bản đó là Hiến pháp, sau đó mới là các qui định pháp luật tức là các văn bản dưới luật.
Do vậy, các quyền của người công dân cụ thể như trong điều 69 của Hiến pháp năm 1992 thì công dân được quyền và có quyền làm các điều mà các Nhà Lập pháp soạn thảo ra Hiến pháp ghi nhận đó là: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, biểu tình khi chưa có qui định của Luật về các quyền này.
Hiện nay tại các cơ quan Nhà nước thường treo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo pháp luật hoặc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật".
Người dân mong muốn cơ quan Nhà nước SỐNG VÀ LÀM VIỆC THEO HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT mới thực sự là có tinh thần trọng pháp.
Nhà nước cho rằng việc ban hành các văn bản dưới Luật-giống như các sắc lệnh ban ra trong thời chiến tranh sẽ buộc người dân chấp hành. Phía các cơ quan Nhà nước đã không tuân thủ nội dung và tinh thần của Hiến pháp đầy đủ so với người dân. Đây là một nghịch lý của nền tư pháp Việt Nam. Cuộc xung đột về nhận thức này đang diễn ra gay gắt và phần thua là về phía đa số người dân vì quyền lực ở trong tay bộ máy Nhà nước. Với một hành xử như vậy, xung đột pháp lý ngày càng gay gắt và dẫn đến bùng nổ là điều không khó hiểu.
.
Tại VN cũng không có Tòa Án Hiến pháp, nhưng trong Luật về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có dự liệu một số việc mà Quốc Hội hay UBTVQH có thể làm một số việc mà Tòa Án Hiến pháp sẽ làm đó là giải thích Luật và giám sát xem xét việc một Bộ Luật, một số chương điều khoản Luật cụ thể nào đó vi hiến tức là mâu thuẫn với Luật Hiến pháp.
Tại các phiên Tòa ở Pháp đình trang nghiêm này, tôi đã nhiều lần nói về việc ngôn ngữ Việt Nam là một ngôn ngữ đa nghĩa, có thể hiểu theo nhiều cách. Không phải chỉ có ngôn ngữ mà ngay hành vi, sự việc hay sự kiện nào đó, mỗi chúng ta cũng nhìn nhận sự việc theo góc độ quan điểm rất đa dạng. Đối với các hành vi của bị cáo LS. Nguyễn Văn Đài cũng thế, không thể nào qui kết các hành vi của ông ta một cách đơn giản là tuyên truyền chống Nhà nuớc CHXHCNVN!
Hành vi của hai Luật sư theo Cáo trạng được nhìn nhận ở một quan điểm rõ ràng đó là về chính kiến, quan điểm chính trị về hiện tình của đất nước. Trong bài báo gửi cho đài BBC được đăng vào ngày 14.05.2006-LS Nguyễn văn Đài nói về: “Quyền tự do thành lập đảng ở Việt Nam” có đoạn viết:... Tôi là một luật sư hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo trong nhiều năm. Dưới đây, tôi đưa ra những nghiên cứu và quan điểm của cá nhân tôi về quyền tự do thành lập đảng ở Việt Nam trong lịch sử và theo Hiến pháp, pháp luật hiện hành. Tôi mong muốn có sự đóng góp ý kiến cũng như tranh luận của các luật sư, các nhà nghiên cứu pháp luật trong và ngoài nước nhằm cổ vũ cho sự khôi phục lại hoạt động cũng như sự thành lập mới của các đảng phái chính trị ở Việt Nam…”
Với một lời lẽ khiêm tốn như vậy, bài viết mang tính khoa học, cầu thị của một luật sư cho nên không thể kết tội Luật sư Nguyễn Văn Đài là tuyên truyền chống nhà nước XHCN. Đây chỉ là một bài viết nghiên cứu Hiến pháp Việt Nam có viện dẫn về mặt lịch sử, pháp luật hiện hành. Bài viết đã được sự phản hồi của rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước. Người đồng ý và người không đồng ý. Bản thân tôi cũng đã có bài “phản biện” về bài viết của Luật sư Đài đăng trên đài BBC ngày 11.05.2006. Trong đó tôi muốn được phản biện khoa học với Luật sư Đài về việc thành lập Đảng tại VN. Cả hai bài viết của chúng tôi đều mang tính khoa học và được nhiều độc giả, nhiều luật gia, nhà nghiên cứu ủng hộ việc tranh luận về các đề tài rất cần cho tình hình phát triển chính trị, dân chủ ở nước ta.
Đối với cáo buộc hành vi của Luật sư Đài có các bài viết, trả lời phỏng vấn đài BBC… thì như chúng tôi đã đưa ra một thí dụ về bài báo “ Về việc thành lập Đảng tại VN” thì báo đài nước ngoài như BBC, RFI, VOA… không còn xa lạ gì với các nhà lãnh đạo Việt Nam, các trí thức và giới luật sư chúng tôi. Các nhà lãnh đạo VN khi tại chức hay về hưu từ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đến nhà sử học kiêm đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc, Trần Quốc Vượng, các Luật sư Trần Lâm, Bùi Quang Nghiêm, Lê Công Định và tôi đã được các báo đài này yêu cầu trả lời về những vấn đề về hiện tình đất nước, pháp luật, chính trị xã hội. Nhiều bài báo, phỏng vấn nói trên sau đó đã được một số báo đài VN trích đăng. Khi VN đã có vị thế chính trị, vào WTO thì các mặt tích cực của các báo đài trên đối với đất nước VN điều là không thể phủ nhận được.
Như vậy, hành vi nghiên cứu và có những bài viết về chuyên đề Hiến pháp, pháp lý, tôn giáo, hoàn toàn là những nội dung mà bất kỳ Luật sư nào cũng đều được phép làm chiếu theo các công ước Quốc tế mà VN đã ký kết, phê chuẩn và thực hiện.
Căn cứ theo “Luật Ký Kết, Gia Nhập và Thực hiện điều ước quốc tế” do Quốc hội VN ban hành vào ngày 14.06.2005 thì tại điều 06, luật này cũng quy định việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế: “trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.
Như vậy căn cứ về các nguyên tắc cơ bản về vai trò của Luật sư được LHQ thông qua và VN cũng như nhiều nước khác phê chuẩn tuân thủ thì hành vi của hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân “giống như những công dân khác được quyền tự do diễn đạt, tín ngưỡng, lập hội và hội họp. Đặc biệt, họ có quyền tham dự thảo luận các vấn đề công cộng liên quan đến luật pháp, việc thực thi công lý, xúc tiến và bảo vệ nhân quyền và tham gia hoặc thành lập các tổ chức ở qui mô địa phương, quốc gia hoặc quốc tế và tham dự các cuộc họp mà không chịu giới hạn nghề nghiệp bởi do các hành động hợp pháp hoặc việc làm thành viên trong các tổ chức hợp pháp. Trong việc thực thi các quyền này, luật sư phải luôn kiểm soát mình theo luật và các tiêu chuẩn được thừa nhận và đạo đức hành nghề.” Hai LS này đã hành động có căn cứ theo Điều ước Quốc tế mà VN đã cam kết thực hiện .
Với việc khởi tố rồi truy tố, xét xử các hành vi của hai LS nói trên cho thấy có sự xung đột pháp lý: Nếu theo điều 88, - tôi xin nhấn mạnh từ NẾU, có sự vi phạm và cũng hành vi đó là điều họ được làm với tư cách là Luật sư-chiếu theo điều ước quốc tế thì hai LS sẽ được miễn trừ trách nhiệm hình sự. Nếu VN thực sự tôn trọng điều 6 của Luật nói trên thì hai LS này không thể bị kết tội theo điều 88 được. Đây là điểm pháp lý quan trọng mà trong phần điều tra, truy tố rồi xét xử ở cấp sơ thẩm vừa qua hoàn toàn không đề cập đến.
Hiện nay Việt Nam đã vào WTO, là thành viên của HĐBALHQ, càng cần phải chứng tỏ sự tôn trọng các điều ước quốc tế mà VN ký kết. Chúng tôi đề nghị việc truy tố và xét xử hai LS cần phải căn cứ vào bộ Luật ký kết gia nhập và thực hiện điều ước Quốc tế 2005 chứ không phải chỉ căn cứ vào Bộ Luật Hình sự được.
Công dân VN đặc biệt là LS, hai bị cáo nguyên là LS này chính là đối tượng của tuyên ngôn về Quyền của người bào chữa. Hành vi của hai LS nói trên đối với việc tham gia, tranh luận, viết bài nghiên cứu, trả lời phỏng vấn báo chí ở trong nước và ngoài nước hay trên Internet là quyền và trách nhiệm của Luật sư được phép làm. Các hành vi của họ là điều cần thiết cho việc hành nghề của họ nhằm phục vụ cho trọng trách cao cả và thiêng liêng của nghề Luật sư, nhằm bảo vệ các quyền thiêng liêng của con người là các vấn đề về nhân quyền.
Các vấn đề về quyền căn bản của con người đã được long trọng nêu lên trong các Công ước về nhân quyền mà đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đề xuất, có sự tham gia của đại diện các nước trên thế giới hội họp, bàn luận và chấp thuận thông qua. Giống như Quốc hội trong một nước, các quốc gia thành viên của LHQ đã cử các Đại diện của mình tham gia vào Quốc Hội của các quốc gia trên toàn thế giới là Liên Hiệp Quốc và họ đã bàn đến những vấn đề chính trị toàn cầu trong đó Nhân Quyền luôn là một trong các chủ đề được ĐHĐLHQ thường xuyên hội họp và nêu lên. Các Quốc gia là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc đều có nghĩa vụ tôn trọng các công ước này.
Họ có quyền từ chối hoặc cam kết tham gia vào các công ước này hoặc tham gia hạn chế với việc tham gia nhưng bảo lưu một số điều tức là cam kết tôn trọng những điều trong các công ước đó nhưng không chấp nhận trọn vẹn vì các lý do nào đó mà đại diện quốc gia đó nêu lên và được Liên Hiệp Quốc chấp thuận.
Việt nam thực tế đã tham gia các công ước quốc tế về nhân quyền một cách trọn vẹn tức là không hề yêu cầu LHQ cho mình tạm thời hay không áp dụng một hay nhiều điều khoản nào trong các công ước về Nhân quyền. Điều này đã được nhiều tổ chức, nhiều quốc gia kính trọng quốc gia VN chúng ta vì tuy là một nước đang phát triển, Nhà nước VN đã ký kết gia nhập và cam kết tôn trọng các điều ước Quốc tế về Nhân quyền, điều đó nói lên Chính phủ VN cam kết với thế giới tôn trọng các quyền con người mà không có bất cứ bảo lưu nào.
Thực tế VN trong Hiến pháp hiện nay đã ghi nhận các quyền này trong rất nhiều điều khoản của Hiến pháp năm 1992. Cụ thể nhất một trong các điều thể hiện việc VN tôn trọng các công ước quốc tế về nhân quyền là Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền được hội họp, lập Hội, biểu tình theo qui định của pháp luật“. Thế giới đã thực sư hoài nghi chúng ta khi đọc Hiến pháp năm 1992 vì đọc lên đều toát lên việc các nhà làm luật VN đều cam kết với nhân dân của mình và với thế giới rằng đất nước này là thành viên của LHQ đã tôn trọng các công ước Quốc tế về Nhân quyền và thể hiện quyết tâm tôn trọng bằng cách ghi trong Bản Hiến pháp của mình, tức là đạo luật căn bản và tối thượng của các đạo luật và các đạo luật làm ra sau này đều có nhiệm vụ thực hiện các khoản, điều của Hiến pháp.
Thực tế tại VN có nhiều điều khoản về quyền con người đã được Quốc Hội, làm ra các đạo luật thực hiện nghiêm chỉnh, như quyền về tự do kinh doanh đã và đang được làm tốt. Chính phủ tôn trọng và thực hiện các đạo luật này bằng các văn bản dưới luật.
Tuy nhiên đối với các quyền con người tại Điều 69 của Hiến pháp thì trong một thời gian dài đã không được Quốc Hội quan tâm để làm ra các đạo luật; bên phía hành pháp, Nhà nước do đó đã không tôn trọng đầy đủ các điều khoản trong Hiến pháp mà đã chỉ ra các Nghị định để qui định khung pháp lý cho các vấn đề quan trọng về các quyền chính trị như quyền tự do ngôn luận, báo chí lập hội, biểu tình….. Làm như vậy là vi phạm Hiến pháp. Nếu chỉ ra các qui định hạn chế các quyền tự do thì việc người dân sẽ làm theo ĐẠO LUẬT HIẾN PHÁP tức là họ được quyền tự do không giới hạn về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Hai LS này chỉ làm những điều mà các điều ước QT về nhân quyền, về quyền của người LS được phép làm căn cứ Tuyên ngôn về Quyền bào chữa của LS năm 1998 mà LHQ đã thông qua và được Chủ tịch Hội Luật sư thế giới đã gửi thư đến Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng về việc bắt giam và truy cứu trái phép hai LS này là hai Luật sư hội viên của Hội Luật sư thế giới. (xin xem thư gửi cho Thủ tướng NTD của chủ tịch Hội Luật sư thế giới thay mặt Hội về việc phản ứng với việc bắt giam hai LS hội viên của Hiệp Hội LS thế giới UIA).
Kính thưa HĐXX và đại diện VKSNDTC,
Tôi xin được đề cập đến điều 88 của Bộ Luật HS như sau :
Cần có đánh giá thật chính xác về các vấn đề “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “làm ra, tàng trữ, lưu hành tài liệu chống Nhà nước"
Như đã phân tích ở trên, đối với cả hai bị cáo phạm tội theo Đ.88 BLHS không được cấu thành tội phạm vì thiếu yếu tố chủ quan là động cơ chống Nhà nước.
.
Tuy nhiên tôi xin được bàn thêm về những khái niệm được nêu lên trong các điểm a và c của khoản 1 Đ.88 BLHS vì cấp Sơ thẩm đã làm cho quyền tự do ngôn luận hiến định bị mất đi ý nghĩa đích thực của nó.
Theo tự điển Bách khoa toàn thư thì tuyên truyền là “hành vi phổ biến một chủ trương, một học thuyết để làm chuyển biến thái độ của quần chúng và thúc đẩy quần chúng hành động theo một đường lối và nhằm một mục đích nhất định".
.
Trước hết cần xác định rằng tuyên truyền là một từ ngữ được dùng riêng trong lãnh vực chính trị với một nội hàm nhất định nên không thể bị đem ra sử dụng một cách bừa bãi được. Cách nói “ông bạn A tuyên truyền với ông bạn B rằng …” hay “ông bố tuyên truyền với đứa con rằng …” là lối dùng từ bừa bãi. Tuy nhiên tùy cách nhìn từ các nền văn hoá hoặc thể chế chính trị khác nhau mà bản thân từ tuyên truyền mang nghĩa tiêu cực hay tích cực. Trong những nền văn hoá xem trọng nhân phẩm của con người ở phương Tây, hành vi tuyên truyền - với bất kể nội dung tuyên truyền nào - luôn mang nghĩa tiêu cực vì bản thân hành vi này đã có chủ ý lèo lái đối tượng về một lối suy nghĩ hoặc hành động mà chính đối tượng đó không muốn có.
Trong cách hiểu này, tuyên truyền là nhồi sọ hoặc che lấp khả năng phê phán của đối tượng. Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam, tuyên truyền được sử dụng với nghĩa trung dung.
Theo đó, hành vi tuyên truyền được đánh giá xấu hay tốt là tùy vào nội dung được tuyên truyền. Người nào tuyên truyền tốt cho chính sách của Nhà nước Việt Nam thì là người tốt, người nào tuyên truyền chống đối nó thì bị xem là phạm pháp. Nhưng dù hiểu thế nào, hành vi tuyên truyền cũng có một số đặc điểm chung khiến người ta không thể lầm lẫn nó với các hành vi truyền thông khác.
.
Về mặt nội dung, những điều được đem ra tuyên truyền phải xuất phát từ một học thuyết hoặc chủ trương, tức là tập hợp những suy tư có hệ thống. Không ai gọi sự bày tỏ những ý nghĩ vụn vặt, nông cạn hay ngẫu hứng là tuyên truyền.
Hiện nay cộng đồng nhân loại có chung quan điểm chống lại một số chủ trương như chủ trương diệt chủng, chống nhân loại, chống hoà bình, kỳ thị chủng tộc, khủng bố. Do đó mọi hành vi tuyên truyền cho chúng và thực hiện chúng cũng bị cấm. Thông thường, muốn cấm một đề tài chính trị, các Nhà nước pháp quyền phải đưa ra luật để định nghĩa rõ ràng về đề tài bị cấm đó. Luật pháp cũng sẽ phải ấn định thật rõ những phương tiện nào bị cấm dùng để tuyên truyền cho đề tài này.
Về mặt hình thức, người tuyên truyền luôn luôn tìm cách đưa ra thông tin một cách thiên vị để dễ lèo lái đối tượng. Những thông tin này không nhất thiết phải sai lạc. Chúng có thể đúng ở một mặt nào đó nhưng nhất định không thể hiện vấn đề một cách trọn vẹn và đầy đủ. Ngoài ra, để dễ kích động quần chúng, người tuyên truyền thường dùng cách trình bày giản lược, có khuynh hướng đánh động vào những cảm xúc hơn là khơi dậy sự suy xét của đối tượng. Phương tiện tuyên truyền là tờ rơi, bích chương, phim ảnh, báo chí, truyền hình, radio và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Để thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, chủ thể tuyên truyền đặt ra một kế hoạch quy mô để lập đi lập lại vấn đề một cách có hệ thống trên các phương tiện truyền thông.
.
Nếu thiếu một hay nhiều đặc điểm về nội dung, phương thức thực hiện và cả về sự qui mô nêu trên thì một hành vi sẽ không còn được gọi là tuyên truyền nữa.
Trên thực tế, nếu xét về mặt hiệu quả, tầm mức quy mô và tầm mức ảnh hưởng, cũng chỉ có một Nhà nước mới có khả năng tuyên truyền một cách hữu hiệu vì chỉ có Nhà nước mới có đủ phương tiện để phổ biến chủ trương hoặc học thuyết một cách có hệ thống, trong thời gian lâu dài, bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, đến đông đảo quần chúng để làm chuyển biến thái độ của quần chúng và thúc đẩy quần chúng hành động theo một đường lối nhất định.
Để tuyên truyền, Nhà nước Việt Nam đã sử dụng một bộ máy khổng lồ gồm khoảng 700 cơ quan truyền thông làm việc có qui củ dưới sự lãnh đạo rất chặt chẽ của các cơ quan văn hoá, thông tin và tư tưởng. Để tuyên truyền cho một chính sách hoặc chủ trương, các cơ quan nhà nước Việt Nam thường cho phổ biến hẳn một kế hoạch về tuyên truyền trong đó ấn định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, phương tiện thực hiện và bộ phận chỉ đạo. Trước ưu thế ấy, một cá nhân ở Việt Nam khó có thể làm được công việc tuyên truyền hoặc phản tuyên truyền cho có kết quả. Cho nên nói LS. Đài hay LS. Công Nhân với các hành vi vừa qua không thể nói là họ tuyên truyền.
Theo tôi, các cơ quan điều tra đã nhận định tầm ảnh hưởng các hoạt động của hai nhà Bất Đồng Chính Kiến khi cho rằng HỌ tuyên truyền chống chính quyền. Khi xem xét vụ việc của hai nhà bất đồng chính kiến, các cơ quan này đã không áp dụng cùng một tiêu chuẩn đánh giá như đối với các cơ quan Nhà nước.
(Xem tiếp bên dưới)
Póc tem cái đã.
Trả lờiXóa