29 thg 11, 2007

Bản luận cứ bào chữa của LS Lê Công Định




302f

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Tôi, Lê Công Định, Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, là luật sư biện hộ cho các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân trong vụ án hình sự “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, ngày 27/11/2007. Tôi xin trình bày luận cứ biện hộ của tôi như sau:

PHẦN I

BẢN ÁN SƠ THẨM VÀ CÁC VẤN ĐỀ

1. Bản án hình sự sơ thẩm số 153/2007/HSST ngày 11/5/2007 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên xử hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên cơ sở áp dụng Điểm a và c Khoản 1 của Điều 88 Bộ luật hình sự, theo đó xử phạt:

Luật sư Nguyễn Văn Đài, năm (5) năm tù, tính từ ngày 6/3/2007, và quản chế bốn (4) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; và

Luật sư Lê Thị Công Nhân, bốn (4) năm tù, tính từ ngày 6/3/2007, và quản chế ba (3) năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Ngoài ra, Tòa sơ thẩm còn tuyên tịch thu một số tài sản cá nhân của các hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

2. Bản án sơ thẩm được tuyên trên cơ sở các chứng cứ như sau: (a) tài liệu thu thập tại Văn phòng luật sư Thiên Ân và nhà riêng của hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, và (b) việc tổ chức những buổi thảo luận tại Văn phòng luật sư Thiên Ân.

Tòa án sơ thẩm đã nhận định nội dung các chứng cứ nêu trên là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tôi liệt kê dưới đây nhóm nội dung các chứng cứ mà Bản án sơ thẩm đã nêu:

(a) Hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bôi nhọ Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản và nhà nước (xem Trang 5, 7, 8 của Bản án sơ thẩm);

(b) Xuyên tạc lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (xem Trang 9 của Bản án sơ thẩm);

(c) Xuyên tạc tình hình thực tế tại Việt Nam (xem Trang 7 của Bản án sơ thẩm);

(d) Tiếp xúc và trao đổi thông tin về dân chủ và nhân quyền (xem Trang 6 của Bản án sơ thẩm);

(e) Ủng hộ đa nguyên, đa đảng, kêu gọi thay thế Đảng Cộng sản (xem Trang 6, 8, 9 của Bản án sơ thẩm);

(f) Tham gia và ủng hộ tích cực các tổ chức hoạt động bất hợp pháp, bao gồm “Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam”, “Khối 8406”, “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, “Hội dân oan” và “Công đoàn độc lập” (xem Trang 6, 8, 9 của Bản án sơ thẩm); và

(g) Có ý thức muốn thành lập một số tổ chức, đảng phái chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam (xem Trang 6 của Bản án sơ thẩm).

PHẦN II

NHẬN ĐỊNH VỀ CHỨNG CỨ VÀ NHÂN CHỨNG

1. Các chứng cứ nêu tại Bản án sơ thẩm không xác định được hành vi phạm tội dựa vào yếu tố cấu thành tội phạm như quy định tại Điều 88 của Bộ luật hình sự.

2. Vì chứng cứ không rõ ràng nên lập luận của Tòa sơ thẩm và vị đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa hôm nay chủ yếu dựa trên sự suy đoán và áp đặt, nhưng lại là suy đoán theo hướng có tội.

Điều này vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam và nền tảng của tất cả luật hình sự trên thế giới, theo đó nếu phải sử dụng chứng cứ gián tiếp nhằm suy đoán hành vi thì chỉ có thể là suy đoán theo hướng vô tội.

3. Ngày 19/11/2007 các luật sư biện hộ đã gửi đơn thỉnh cầu triệu tập 17 nhân chứng, nhưng vì lý do này lý do kia, chỉ 5 nhân chứng dự phiên tòa phúc thẩm. Về phần nhân chứng Phạm Văn Trội bị công an cản trở đến tòa làm chứng mà tôi đã lưu ý Hội đồng xét xử khi bắt đầu phiên tòa sáng nay và yêu cầu phải có biện pháp giải quyết vấn đề này, nhưng tôi chưa thấy Hội đồng xét xử có ý kiến gì cả. Đó là một sự việc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đối với những nhân chứng không có mặt tại đây, chúng tôi không thể trực tiếp lắng nghe lời khai của họ để đánh giá các chứng cứ khác. Do vậy tôi đề nghị Hội đồng xét xử không được sử dụng các tài liệu mà họ là tác giả hoặc các công việc mà họ làm như những chứng cứ để buộc tội hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

Lưu ý, 17 nhân chứng mà các luật sư thỉnh cầu triệu tập bao gồm:

(1) Phạm Sỹ Nguyên (vắng mặt)

(2) Nguyễn Xuân Đệ (vắng mặt)

(3) Trần Thanh (có mặt)

(4) Nguyễn Thị Hương Lan (vắng mặt)

(5) Trần Văn Hòa (vắng mặt)

(6) Đồng Thị Giang (có mặt)

(7) Khổng Văn Thành (có mặt)

(8) Nguyễn Bá Trực (có mặt)

(9) Giáp Văn Hiếu (có mặt)

(10) Nguyễn Thanh Giang (vắng mặt)

(11) Dương Thu Hương (vắng mặt)

(12) Vũ Quốc Dụng (vắng mặt)

(13) Nguyễn Đình Thắng (vắng mặt)

(14) Trần Ngọc Thành (vắng mặt)

(15) Nguyễn Văn Lý (vắng mặt)

(16) Đỗ Nam Hải (vắng mặt)

(17) Hoàng Minh Chính (vắng mặt)

4. Vì những lý do nêu trên, tôi khẳng định rằng các chứng cứ trong Vụ án này không đủ để kết luận các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật hình sự.

PHẦN III

PHÂN TÍCH

A. YẾU TỐ CẤU THÀNH TỘI PHẠM

1. Theo Điều 88, “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là mục tiêu mà hành vi “tuyên truyền” nhắm đến. Tuy nhiên, thế nào là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì Điều 88 và cả Bộ luật hình sự đều không quy định và xác định. Do đây là một khái niệm không được luật pháp minh định nên cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa sơ thẩm đã tùy tiện suy đoán hành vi của các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.

2. Chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam, các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, thực trạng xã hội, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam không thể được xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vì những lý do sau đây:

(a) Không thể suy diễn theo hướng đồng hóa Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu không sẽ trái với Hiến pháp hiện hành;

(b) Bàn đến thực trạng xã hội không thể đương nhiên được suy diễn thành “chống”; và

(c) Bàn đến dân chủ và nhân quyền không thể được suy diễn thành “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trừ phi nhà nước đó chống lại dân chủ và nhân quyền.

3. Chưa có sự thẩm định độc lập của bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức độc lập nào về nội dung của các tài liệu tịch thu từ nhà và nơi làm việc của các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân để kết luận những tài liệu đó có nội dung “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không.

Những cơ quan tham gia tố tụng đều không thể được xem là độc lập để thẩm định và đưa ra kết luận khách quan, hơn nữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát không đương nhiên có quyền độc lập thẩm định và kết luận vì luật không quy định trao quyền như vậy.

Thiếu sự thẩm định khách quan cho thấy nhận định và kết luận của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong Vụ án này hoàn toàn có tính chất chủ quan và thiên lệch. Dựa vào kết luận của những cơ quan này để truy tố tội phạm và bị cáo, tôi hiểu vì sao Bản án sơ thẩm thiếu công bằng và sai lầm.

Nếu Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục sử dụng các tài liệu đã nêu như là chứng cứ để buộc tội và xét xử, tôi đề nghị một sự tranh luận chi tiết giữa các luật sư chúng tôi và vị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đối với từng nội dung của các tài liệu đó tại phiên tòa phúc thẩm này để xác định xem thế nào là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

B. THẾ NÀO LÀ “CHỐNG NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”?

1. Về phương diện pháp lý, chỉ có thể xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nếu hành vi bị truy tố chống lại Hiến pháp hiện hành.

2. Liệu hành vi của hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân có thể xem là chống lại Hiến pháp hiện hành hay không? Tôi xin khẳng định hoàn toàn không, bởi lẽ:

(a) Đề nghị đa đảng không thể bị xem là trái với Hiến pháp.

Thật vậy, Điều 4 của Hiến pháp tuy khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội, song rõ ràng không nghiêm cấm việc lập đảng hoặc lập hội ngoài Đảng Cộng sản.

Để Hội đồng xét xử tham khảo, tôi xin cung cấp thông tin được báo Tuổi Trẻ số ra ngày 17/11/2007 đăng tải về việc Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc vào ngày 15/11/2007 đã phát hành sách trắng mang tên “Chế độ chính đảng của Trung Quốc”, theo đó chế độ chính đảng trong tương lai gần tại Trung Quốc sẽ là chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Như vậy đề nghị một thể chế đa đảng không đồng nghĩa với việc chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Trường hợp đã nêu về Trung Quốc là điều mà Hội đồng xét xử cần suy nghĩ thêm và cân nhắc thấu đáo.

(b) Ủng hộ và tham gia các tổ chức chính trị khác cũng không thể bị xem là trái với Hiến pháp.

Thật vậy, Việt Nam chưa có Tòa án Hiến pháp nên không thể tùy tiện tuyên bố hoạt động của bất kỳ tổ chức nào là bất hợp pháp và trái Hiến pháp.

Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ phán quyết nào của tòa án các cấp xem xét một cách riêng biệt tính chất hợp hiến và hợp pháp của những tổ chức như “Khối 8406”, “Đảng Thăng tiến Việt Nam”, “Hội dân oan” và “Công đoàn độc lập”. Do đó, việc vội vã kết luận những tổ chức này là bất hợp pháp để từ đó suy đoán hành vi ủng hộ những tổ chức đó là chống nhà nước rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý.

(c) Kêu gọi tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và dân chủ càng không thể bị xem là trái với Hiến pháp.

Thật vậy, nội dung các tài liệu và thảo luận của các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân nhằm mục đích kêu gọi thực hiện các quyền công dân và nhân quyền được quy định tại Điều 69, 70 và 71 của Hiến pháp hiện hành, theo đó công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật; có quyền tự do tín ngưỡng; và có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Chỉ trích và lên án những hành động thiếu tôn trọng hoặc vi phạm các quyền công dân và nhân quyền được quy định tại Điều 69, 70 và 71 của Hiến pháp không thể bị xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; trái lại chỉ những hành động vi phạm quyền công dân và nhân quyền mới là chống Hiến pháp và do đó chống nhà nước.

C. QUYỀN TỰ DO BIỂU ĐẠT Ý KIẾN VÀ QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN THEO LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

Nhà nước Việt Nam có bổn phận tuân thủ các điều ước quốc tế đã gia nhập hoặc công nhận, đặc biệt là các công ước của Liên hiệp quốc mà Việt Nam là thành viên. Luật pháp quốc gia cần phải được ban hành, sửa đổi, giải thích và thi hành theo quy định của các điều ước quốc tế đó.

Liên quan đến Vụ án này, tôi xin dẫn chiếu các quy định sau đây của luật pháp quốc tế mà Nhà nước Việt Nam phải tuân thủ, và tôi cũng đề nghị Hội đồng xét xử tôn trọng và ghi nhận bổn phận đó của Nhà nước Việt Nam trong bản án sẽ được tuyên:

1. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Political and Civil Rights) do Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào ngày 16/12/1966 theo Nghị quyết số 2200 A (XXI), có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 và Việt Nam tham gia vào ngày 24/9/1982, đã quy định long trọng quyền tự do biểu đạt ý kiến và quan điểm của cá nhân tại Điều 19 như sau:

“1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào.

2. Mọi người đều có quyền tự do biểu đạt. Quyền này phải bao gồm cả sự tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến thuộc tất cả các loại không phân biệt ranh giới, dưới hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào khác tùy theo sự lựa chọn của họ.” (xem bản dịch trong sách “Quyền con người trong quản lý tư pháp” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2000, tại trang 38)

2. Cần lưu ý rằng trước khi bị bắt giam các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân vẫn đang hành nghề luật sư. Với tư cách là luật sư, họ có vai trò và quyền hạn được quy định trong bản Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (Basic Principles on the Role of Lawyers) do Hội nghị Liên hiệp quốc lần thứ tám về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội, tổ chức tại Havana (Cu Ba) từ ngày 27/8/1990 đến ngày 7/9/1990. Mục 23 của Các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư quy định như sau:

Cũng như những công dân khác, luật sư được hưởng quyền tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao và hội họp. Đặc biệt, họ phải có quyền tham gia vào các cuộc thảo luận của công chúng có liên quan đến luật pháp, quản lý tư pháp, việc đẩy mạnh và bảo vệ quyền con người.” (xem bản dịch trong sách “Quyền con người trong quản lý tư pháp” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2000, tại trang 110)

3. Như vậy, hành vi mà các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân thực hiện thuộc phạm vi các quyền công dân, quyền chính trị và quyền về nghề nghiệp mà mọi nhà nước trên thế giới phải tôn trọng và bảo vệ. Sẽ được xem là vi phạm luật pháp quốc tế nếu nhà nước nào vi phạm hoặc cản trở việc thực thi các quyền đó mà thôi.

D. LỚP HỌC VỀ NHÂN QUYỀN

Trong kế hoạch phổ biến sự hiểu biết chung và cơ bản về nhân quyền trên toàn thế giới, Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền (United Nations High Commissioner for Human Rights) đã khuyến khích các quốc gia, tổ chức phi chính phủ và nhóm xã hội tổ chức những lớp học về nhân quyền. Đây là một chương trình toàn cầu mang tên “Chương trình thế giới về giáo dục nhân quyền” (World Programme for Human Rights Education) được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua trong Nghị quyết số 59/113A ngày 10/12/2004. Với tư cách là thành viên của Liên hiệp quốc, Việt Nam lẽ ra phải thực hiện và bảo đảm việc thực hiện chương trình này.

Trên thực tế, các buổi thảo luận tại Văn phòng luật sư Thiên Ân được tổ chức trong khuôn khổ chương trình nói trên. Nội dung và tài liệu của những buổi thảo luận đó hầu hết chỉ liên quan đến vấn đề nhân quyền nói chung và vai trò của luật sư trong việc bảo vệ nhân quyền. Tôi xin nêu dưới đây nội dung của tập tài liệu mà cơ quan điều tra tịch thu (xem các Bút lục từ số 610 đến số 635):

1. Mục đích của chương trình tập huấn: đưa ra những hiểu biết cơ bản về nhân quyền;

2. “Nhân phẩm - nền tảng của nhân quyền”;

3. Xây dựng một xã hội dân chủ làm nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực và nhân tài cho Việt Nam;

4. Đánh giá việc thực hiện dân chủ ở nước ta sau 20 năm đổi mới; và

5. Chương trình huấn luyện luật sư nhân quyền.

Cần lưu ý rằng tài liệu “Nhân phẩm - nền tảng của nhân quyền” của tác giả Đỗ Mạnh Tri đề ngày 20/4/2006 mà hồ sơ Vụ án đã nhắc đến nhiều lần (xem nội dung tại các Bút lục từ số 67/1 đến số 67/20) chỉ nêu khái niệm về quyền, cơ sở triết học của quyền, nhân quyền và nhân phẩm qua các thời đại.

Giảng dạy và thảo luận về nhân quyền và dân chủ dứt khoát không thể xem là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhà nước Việt Nam nếu không tổ chức được những lớp học về đề tài này thì cũng không thể ngăn cản hoặc cấm đoán công dân mình thực hiện chương trình phổ quát mà Liên hiệp quốc khuyến khích trên toàn thế giới, và càng không có lý do hoặc cơ sở pháp lý nào để bỏ tù những người đảm nhiệm công việc đó hoặc gán cho họ tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

Đ. YÊU NƯỚC CÓ PHẢI LÀ TỘI PHẠM HAY KHÔNG?

Có thể các Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã công khai bày tỏ quan điểm và ý kiến riêng trái ngược với quan điểm chính thống mà Nhà nước Việt Nam đang tuyên truyền và thích nghe. Có thể suy nghĩ và nhận thức của họ tuy không xa lạ với hầu hết các dân tộc khác trên thế giới, nhưng lại đi trước so với tầm suy nghĩ chung của xã hội Việt Nam hiện tại và có vẻ trái với quan điểm chính thống, song không vì thế mà chúng ta có thể nghi ngờ ý định và động cơ của họ.

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tuyên bố rằng “chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng” (xem bài trả lời phỏng vấn của Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành cho Đài BBC ngày 17/4/2007). Ông cũng khẳng định “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả. […] Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào”.

Hai vị Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân là những nhà yêu nước và chỉ có yêu nước họ mới dám dũng cảm nói lên một cách công khai và hòa bình quan điểm riêng của mình và tìm kiếm sự ủng hộ quan điểm ấy từ những người Việt Nam yêu nước khác, ngoài Đảng Cộng sản. Hành động của họ cần được khuyến khích vì đã dám đứng lên bảo vệ niềm tin của mình.

Chính kiến có thể khác song dứt khoát không thể bị quy chụp khi xét đến ý định và động cơ. Vấn đề là liệu bắt giam họ có thể làm cho thực trạng xã hội mà họ lên tiếng tốt hơn không và liệu có dập tắt được những tiếng nói yêu nước khác hay không? Thực tế đã chứng minh rằng không.

Nếu tại một nơi nào và ở một thời điểm nào mà luật pháp xem lòng yêu nước là tội phạm, thì thay vì trừng phạt những nhà yêu nước, hãy thay đổi luật pháp ấy.

PHẦN IV

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

Thưa Hội đồng xét xử, vì những lý lẽ nêu trên, tôi với tư cách là luật sư biện hộ cho hai đồng nghiệp của tôi là Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, kết luận rằng không một điều luật hiện hành nào của Việt Nam tạo ra hoặc hội đủ cơ sở pháp lý để kết tội và kết án họ. Họ vô tội một cách đương nhiên.

Do vậy, tôi đề nghị Hội đồng xét xử hãy tuyên trả tự do cho hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, đồng thời trả lại tài sản của họ. Việc trả tự do cho hai vị luật sư này sẽ tôn vinh nghĩa lớn và trí tuệ nhân bản của dân tộc Việt Nam, mà Nguyễn Trãi đã từng nói trong “Bình Ngô Đại Cáo”:

“Mang đại nghĩa để thắng hung tàn

Lấy trí nhân để thay cường bạo”

Tôi xin chân thành cám ơn Hội đồng xét xử đã lắng nghe ý kiến của tôi.

15 nhận xét:

  1. Luật sư Định lập luận rất đanh thép, sắc bén. Chỉ tiếc là anh đang cố gắng cãi trước bầy "cùn".

    Trả lờiXóa
  2. - Chỉ có trẩm mới nói được hai chữ nhân quyền, còn các ngươi mà nói thì sẽ bị tội khi quân phạm thượng, ở tù chí ít 3 năm.
    - Dạ , dạ bẩm tiếng Trẩm, thế giới bỏ từ hàng trăm năm nay rồi ạ!
    - Hả, vậy sao?.... thì khôi phục lại mấy hồi, hãy nhớ lấy lời ta, câu này phải được xếp chữ ngay ở ngay tờ bìa đầu của hiến pháp đấy nhé! Điều này cho chúng thấy nó trên cả hiến pháp và ngoài cả luật pháp nữa đấy!
    - dạ, dạ
    ..............
    - dạ bẩm, còn mấy thằng thầy cải kia, nó viện dẫn các điều luật cứ vanh vách, khiến thẩm phán không biết phải lật sách luật xem ở trang nào, xin bệ hạ cho chỉ thị ạ!
    - Nó nói thứ tiếng gì?
    - Dạ, toà án Việt Nam , phải nói tiếng Việt ạ!
    - Sao bọn này có học mà ngu thế, nó nói tiếng Việt , thì chúng mày nói tiếng Tây.
    - Dạ ở toà sao nói tiếng Tây được ạ!
    - Toà án bắt mọi người phải nói tiếng Việt , chứ đâu có bắt quan tòa không được nói tiếng Tây đâu!Hừ!
    ....!!!????
    ....

    Trả lờiXóa
  3. TỘI GÌ À? Qua mà xem Chính Kiến Tà Kiến của tui cái đã. Hay là dẫn một link kèm cho entry nầy, để bổ xung cho các bạn ấy đi.

    Trả lờiXóa
  4. Cha'u đồng ý với bác Nhất, khả năng LS Định sẽ có 1 phòng trong khám, cạnh phòng LS Đài. Mà nghĩ lại dzô tù giờ có khi còn sướng hơn ở ngoài, giá cả đắt đỏ, xã hộ rối ren, ở trong đó vài chục năm mới ra có khi lại sướng, hehe. Mấy LS này đầu thai nhầm thế kỷ hết rùi, họ sinh ra vào thế kỷ 23 là hợp lý nhất...

    Trả lờiXóa
  5. Vietnam sent Mr. Dai & Ms. Cong Nhan to Prison, This is to prove the truth that Vietnam have had independence but have had not freedom yet. Mr.Dai & Ms. C Nhan were cast into jail because they have different points of view from the communist Party

    Trả lờiXóa
  6. Mình không phải luật sư mà cũng múôn vô khám ngồi , vì ở ngoài này tụi nó vơ vào dữ quá, tiền lương trả cho công nhân chưa kịp, thì lại phải trả lương cho bọn chúng haàg tháng rồi, nếu không chúng cho mấy chú đến đứng chình ình trước cửa, khách có đến cũng đi. Nghe cái anh giám đốv xin ở tù mà thấy cảm thông và xót xa lạ.

    Trả lờiXóa
  7. Mình không phải luật sư mà cũng múôn vô khám ngồi , vì ở ngoài này tụi nó vơ vào dữ quá, tiền lương trả cho công nhân chưa kịp xoay, thì lại phải trả lương cho bọn chúng hàng tháng rồi, nếu không chúng cho mấy chú em đến đứng chình ình trước cửa, khách có đến cũng đi. Nghe cái anh giám đốc gì đó xin ở tù mà thấy cảm thông và xót xa lạ.

    Trả lờiXóa
  8. Sẽ đến lượt ông luật sư dám vuốt râu hùm này ra tòa vì tội chông tòa án XHCN...tức là chống nhà nước đấy!.Cho tất cả các nhà luật học biết thế nào là lễ độ!

    Trả lờiXóa
  9. Mời các bác sang nhà em học hát nhé, ngày thắng lợi sắp đến rồi nên mình phải thuộc lòng để hát chứ! các bác nhớ tuyên truyền lại cho các đồng bào nơi mình sinh sống nhé. Các bác càng tích cực tuyên truyền để càng nhiều người biết thì ngày thắng lợi càng đến gần hơn, chỉ cần chúng ta giành lại đc quyền ăn nói là bọn CS đủ sợ rồi
    Chúc các bác luôn sáng suốt trong đấu tranh!!!

    Trả lờiXóa
  10. đem đại nghĩa để thắng hung tàn
    lấy chí nhân mà thay cường bạo
    (chí nhân chứ không phải trí nhân)

    Trả lờiXóa
  11. Xã hôi vn còn nhiều bê bối lắm hai chữ "Dân chủ"chẳng biết viết như thế nào nữa .

    Trả lờiXóa
  12. LS Đài và Nhân phạm một điều đại kị đó là "trời chưa sáng đã gáy", tôi này nặng lắm không tha được. Ls Định này chắc là "gà tranh nhau tiếng gáy" lại dám gáy trước bình minh àh!!!

    Trả lờiXóa
  13. Coi chừng ông luật sư Lê Công Định này bị lôi ra tòa sớm. Nếu không vì tội dám bào chữa cho "người chống phá nhà nước VN" thì cũng là vì tội con chó nhà ổng tè sang vườn láng giềng mà chưa xin phép con chó nhà láng giềng tiếng nào.

    Trả lờiXóa
  14. Người tài giỏi và có tâm như luật sư Lê Công định bây giờ thật khó tìm lắm thay. Mong luật sư luôn mạnh khỏe và giữ vững lý tưởng của mình. Là một người học luật, tôi thật sự khâm phục sự uyên bác cũng như sự nhân văn của luật sư.

    Trả lờiXóa
  15. ơ, thì nhân thể vào trong bển để tuyên truyền tư tưởng DÂN CHỦ cho các bạn tù. Cũng như ngày xưa khi tuyên truyền Max-le cũng vậy, PHẢI ĐI TỪ TRONG TÙ ĐI RA MỚI THẮNG LỢI ĐƯỢC.
    hehe!

    Trả lờiXóa