24 thg 6, 2007

Tách hành pháp và lập pháp riêng biệt




Báo Tuổi Trẻ online tổ chức giao lưu giữa đại biểu HĐNDTP và cử tri với nội dung: Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đại diện gì cho cử tri?
Trong cùng ngày các đại biểu đã trả lời được 28 câu hỏi của cử tri.Xin trích đăng câu hỏi của một cử tri ở quận 3 và trả lời của ông Lê Nguyễn Minh Quang tới quý độc giả.


Tách hành pháp và lập pháp riêng biệt


* Hầu hết các đề nghị tăng giá điện, nước, phí môi trường, kéo dài thời gian thu phí cầu đường... đều được HĐND chấp thuận. Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân khi HĐND chỉ phụ hoạ cho chính quyền? Còn ai trong HĐND chia sẻ cùng ông những bức xúc ông nêu trong kỳ họp hay họ ngủ cả rồi? (Hoang Hai, 54 tuổi, camerahoanghai@)

- Ông Lê Nguyễn Minh Quang: Các đề nghị tăng giá điện, nước, phí môi trường, kéo dài thời gian thu phí cầu đường... đều được các ĐB HĐND nghiên cứu, thảo luận và chất vấn trước khi thông qua. Tuy nhiên phải thành thật mà nói rằng, có những vấn đề được thông qua nhưng tính đồng thuận không cao và vẫn còn đọng lại nhiều ưu tư cho không ít đại biểu.

Theo tôi nghĩ, để HĐND hoạt động có hiệu quả hơn, cần xem xét cách làm của các nước, tránh bầu chọn các đại biểu đồng thời là những người thuộc cơ quan nhà nước thực thi pháp luật, hay nói cách khác thì nên tách hành pháp và lập pháp riêng biệt.
---------------------------------------------------------

Đại biểu Quốc hội và tiến trình dân chủ
Trần Mạnh Cường

“Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” - mọi người có lẽ đều biết và đồng tình với câu khẩu hiệu này. Đây cũng là những mục tiêu phản ánh phương hướng và tiêu chuẩn của tiến bộ xã hội.

Trong số những mục tiêu trên, dân chủ ở vào một vị trí vô cùng độc đáo: nó vừa là mục tiêu lại vừa là động lực. Là mục tiêu, bởi lẽ chỉ với một trình độ phát triển cao của dân chủ thì con người mới có được sự phát triển toàn diện, có được sự tự do và hạnh phúc; chỉ với một trình độ phát triển cao của dân chủ thì mới có được xã hội tiến bộ, văn minh. Dân chủ là động lực bởi vì chỉ với việc đẩy mạnh dân chủ hóa đời sống xã hội, con người mới có được sự tự nhận thức, sự tự do, sự tự chịu trách nhiệm. Điều đó cũng đồng nghĩa với một nguồn lực khổng lồ những năng lượng sáng tạo của con người được giải phóng và định hướng, tổ chức thành những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của con người, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Tuy nhiên, sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng dân chủ là một thứ gì đó xảy ra tự nhiên hoặc một món quà được ban phát. Dân chủ là một trạng thái phản ánh trình độ phát triển của xã hội. Nó là hệ quả của việc định hình và phát triển liên tục của xã hội công dân, trong đó cốt lõi là ý thức và năng lực công dân. Với một quốc gia châu Á 70% dân số làm nông nghiệp và có điểm xuất phát thấp như Việt Nam thì tiến trình định hình và phát triển liên tục của xã hội công dân lại càng trở nên cấp bách.

Có nhiều yếu tố tác động đến tiến trình dân chủ ở Việt Nam. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, sự hội nhập sâu và rộng trên phạm vi toàn cầu đóng góp một phần quan trọng vào tiến trình này. Sự tương tác về mặt văn hóa, chính trị giữa Việt Nam với thế giới kéo theo đó là sự thay đổi về hệ thống giá trị, hệ thống niềm tin cũng đóng góp một phần quan trọng vào tiến trình này. Tuy nhiên, đó là những yếu tố mà tiến trình dân chủ chịu tác động, trong khi điều thực sự quan trọng là một lực lượng lãnh đạo tiến trình dân chủ này. Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Việt Nam.

Ở tất cả các quốc gia trên thế giới, quốc hội luôn là biểu hiện tập trung nhất nền dân chủ của một quốc gia. Đó là cơ quan thực thi nền dân chủ một cách rõ nét nhất. Quốc hội đóng vai trò như một trường đại học về dân chủ, nơi nghiên cứu và giáo dục ý thức công dân cho toàn xã hội. Với ý nghĩa đó, mỗi đại biểu Quốc hội phải trở thành người đi tiên phong trong tiến trình dân chủ.

Về bản chất, mối quan hệ lãnh đạo là mối quan hệ dựa trên nền tảng tự do và tự nguyện. Người lãnh đạo không bị ép buộc phải trở thành người lãnh đạo, người dẫn dắt người khác, động viên và truyền cảm hứng cho người khác. Người đi theo không bị bắt buộc phải đi theo người lãnh đạo, họ chỉ đi theo người lãnh đạo bởi những niềm tin, những kỳ vọng, những giá trị mà họ đặt vào người lãnh đạo. Lãnh đạo, về bản chất, không bao giờ gắn với quyền lực kiểm soát và áp đặt, và cũng không bao giờ đồng nghĩa với đặc quyền, đặc lợi. Như vậy, vai trò cốt yếu của một đại biểu Quốc hội chính là người đại diện lợi ích của người dân và người đi tiên phong trong tiến trình dân chủ.

Câu hỏi đặt ra là, để thực hiện tốt vai trò của mình, các vị đại biểu Quốc hội cần có những phẩm chất gì?

Một vị đại biểu Quốc hội thực sự không thể là người coi vị trí đại diện nhân dân của mình như một công cụ để kiếm tìm lợi ích cho cá nhân hay cho nhóm lợi ích cục bộ của mình. Phẩm chất đầu tiên của một đại biểu Quốc hội phải là nhân cách. Đó là vấn đề của nhận thức, của hệ thống giá trị, hệ thống niềm tin của con người. Những giá trị dân chủ tiên tiến phải trở thành bộ phận cốt lõi trong hệ thống giá trị, hệ thống niềm tin của mỗi đại biểu Quốc hội, phải trở thành một phần quan trọng trong nhân cách của đại biểu Quốc hội. “Bình đẳng cho tất cả mọi người và đặc quyền không dành cho bất cứ ai” phải trở thành kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải luôn ý thức được sứ mệnh của mình: thúc đẩy tiến trình dân chủ, nỗ lực để xây dựng một xã hội công dân trong đó ý thức công dân và năng lực công dân được đặt vào vị trí trung tâm.

Hơn ai hết, họ cần là những người có mối quan hệ chặt chẽ với những cử tri, những người tạo nên vị trí của họ trong Quốc hội. Họ phải ý thức được rằng công việc của họ là quan sát, tìm hiểu, học hỏi từ những cử tri của mình để có thể hoàn thành nhiệm vụ đại diện và lãnh đạo. Họ phải hiểu nỗi trăn trở của cử tri hơn bản thân mỗi cử tri. Họ phải hấp thụ được những tinh hoa của hệ thống giá trị, hệ thống niềm tin của các cử tri mà họ là đại diện. Đại biểu Quốc hội cần phải là cầu nối giữa những giá trị dân chủ tiên tiến mang ý nghĩa toàn cầu với những đặc trưng văn hóa Việt Nam. Họ phải ý thức rõ ràng họ là ai, đang làm gì, họ hành động vì ai và vì điều gì. Những đại biểu Quốc hội phải là những người có sức mạnh nhân cách, sức mạnh trí tuệ để bảo vệ được lợi ích của nhân dân, của quốc gia, của dân tộc.

“Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Lãnh đạo luôn gắn liền với phục vụ. Lãnh đạo - phục vụ cũng chính là yêu cầu, là mệnh lệnh đối với đại biểu Quốc hội - người đi tiên phong trong tiến trình dân chủ ở Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Việt Nam.

2 nhận xét:

  1. CÔNG LÝ và SỰ THẬTlúc 20:47 24 tháng 6, 2007

    Thế ông Lê Nguyễn Minh Quang ấy bây giờ làm cái gì rùi?

    Trả lờiXóa
  2. @CÔNG...Lúc trả lời cử tri ông ấy là đại biểu HDND,trả lời xong thì ...không bít nữa.Qua HDND mà hỏi.Bộ ổng còn nợ CÔNG...tiền à???

    Trả lờiXóa