Song Chi
Như đã dự đoán trước, cuộc biểu tình nhằm tưởng niệm ngày 19.1.1974 Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc của nhóm CLB Nhà Báo Tự Do và bạn bè văn nghệ ngay trước Nhà hát Thành phố lúc 9:00 sáng đã bị dập tắt ngay và tất cả đều bị bắt. Lúc đó là khoảng gần 10:00.Thoạt tiên họ đưa cả nhóm về trụ sở Công an phường Bến Nghé, cứ hai người một được đưa vào một phòng riêng để lấy lời khai.
Tôi và Hào được đưa vào một phòng. Anh chàng công an làm việc với tôi khuôn mặt và thái độ khá là nhã nhặn, không như anh chàng làm việc với Hào, có vẻ lấc cấc. Cuộc làm việc lấy lời khai kéo dài đến quá 12:00. Về lý do, mục đích của việc "tụ tập đông người" theo như cách gọi của công an và chính quyền, tôi nói với anh chàng công an làm việc với tôi, đơn giản thôi, thứ nhất là vào ngày này năm 1974 Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, là người Việt Nam, chúng tôi muốn bày tỏ một thái độ nhằm tưởng niệm cái ngày đau đớn này, thứ hai nữa là cách đây mấy ngày, vào ngày 14.1.2008 tàu Trung Quốc đã đánh chìm một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại vùng biển Phú Yên và 9 thuyền viên đã bị mất tích (nhưng trên các phương tiện thông tin báo chí chính thức trong nước chúng ta chỉ dám đưa tin là "tàu lạ đã đánh chìm") và chúng tôi muốn chia sẻ với nỗi đau của gia đình những người có người thân bị mất tích. Đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng tàu Trung Quốc bắn chìm tàu và bắn vào các ngư dân Việt Nam. Đơn giản vì theo như bản đồ lãnh hải mới của nhà cầm quyền Trung Quốc thì gần như toàn bộ vùng biển Đông này là của họ rồi và ngư dân Việt Nam đi đánh cá chỉ cần xa bờ một chút là họ bắn thôi. Trong khi đó thì trên các phương tiện truyền thông chính thức của phía Việt Nam lại không bao giờ nói rõ tình hình này nên người dân đánh cá nghèo ít học của Việt Nam làm sao mà biềt được. Trả lời câu hỏi về cái logo 5 cái còng và dòng chữ Pékin 2008 in trên cái áo đen mà tôi và mọi người đang mặc, tôi nói đó là biểu tượng tẩy chay Olympic Bắc Kinh của các nhà báo trên thế giới (chính xác là của tổ chức Các nhà báo không biên giới) họ nghĩ ra chứ chả phải chúng tôi nghĩ ra đâu, nhưng chúng tôi sử dụng nó như một sự phản đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh, vì thế vận hội Olympic là một hoạt động thể thao mang tính quốc tế và hòa bình, lẽ ra không nên được tổ chức ở một quốc gia mà tham vọng bành trướng bá quyền rất rõ và luôn luôn có âm mưu xâm lấn, bắt nạt các nước láng giềng yếu thế hơn. Anh chàng công an làm việc với tôi cũng thừa nhận rằng về chuyện Hoàng Sa và Trường Sa thì người Việt Nam ai ai cũng bức xúc như nhau thôi. Tôi hỏi thế thì tại sao Nhà Nước lại không để cho người dân được lên tiếng? Các luận điệu sợ bọn xấu sẽ lợi dụng cơ hội, kích động người biểu tình hoặc sợ ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước theo tôi là rất không đúng. Nếu Nhà Nước cho phép biểu tình giống như ở các quốc gia khác, khi người dân muốn biểu tình về một vấn đề gì đó, họ chỉ cần làm đơn xin phép, nói rõ lý do, địa điểm, thời gian... Nhà Nước sẽ cử cảnh sát ra canh chừng trật tự. Không có một quốc gia nào trên thế giới cấm biểu tình một cách hòa bình cả. Chỉ trừ khi nào người dân có hành động bạo động thì cảnh sát mới can thiệp thôi. Còn chuyện sợ ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao mới càng hài hước hơn nữa. Cái thằng đi xâm lược ngang nhiên chiếm đất chiếm biển của người khác nó có thèm sợ ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước không mà trong khi mình bị xâm lược mình lên tiếng thì lại sợ ảnh hưởng? Tôi nói với anh ta, anh thấy đấy, ngay cả hai nước Nhật và Mỹ là đồng minh chơi thân với nhau như vậy mà hàng năm người dân Nhật vẫn tổ chức tưởng niệm ngày Hiroshima bị thả bom nguyên tử đấy thôi, hoặc ở rất nhiều quốc gia khác có quan hệ ngoại giao với Mỹ, khi Tổng thống Mỹ tới thăm, người dân họ vẫn tổ chức biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ, có ảnh hưởng gì đâu. Chuyện giữa hai Nhà Nước với nhau là một chuyện, còn thái độ của người dân là một chuyện, sao lại cứ sợ hãi như thế. Tôi cũng nói với anh ta, các anh thấy đấy, chúng tôi biểu tình phản đối Trung Quốc chứ có phải biểu tình chống đối Nhà Nước Việt nam đâu, cũng chả có hành động bạo động gì cả, một nhúm người thì làm đựơc gì ngoài một sự bày tỏ thái độ, một sự lên tiếng, một hành động có tính cách biểu tượng, thế mà còn bị cấm, bị bắt. Anh ta bảo chị nói bị bắt là nặng quá rồi đấy, chúng tôi chỉ mời về làm việc thôi, và chỉ phạt mọi người vì lý do " tụ tập đông người mà không xin phép" tức là vi phạm hành chính. Tôi hỏi thế thì ở nước mình có luật về biểu tình không mà bảo chúng tôi xin phép, nếu xin thì xin ở đâu anh chỉ cho tôi đi để lần sau chúng tôi sẽ xin phép trước, chứ chúng tôi cũng đâu có muốn biểu tình mà không xin phép như vầy để bị phạt vì tội không xin phép? Anh ta trả lời luật pháp nước mình chưa cho phép những chuyện tụ tập như thế này!
Có một chi tiết cần phải kể là ngay khi tôi vừa bước vào phòng làm việc, một nhân vật xuất hiện-chính là người mà tôi đã nhắc tới trong entry trước-con cá ngồi ngay bên cạnh Điếu Cày ở quán cafe vỉa hè trước mặt Nhà Văn hóa Thanh Niên mà ngay lúc đó tôi đã hỏi độp anh ta là tôi trông anh quen lắm! Tôi phải khen cho linh cảm của mình. Đúng anh ta là công an chìm. Thấy tôi, anh ta cũng nói liền: quen quá phải không. Tôi nói: thấy anh hôm trước là tôi đã biết mà. Tôi nghĩ là tôi thấy anh ít nhất là mười lần rồi đấy. Anh ta bảo chỉ mới có mười lần thôi sao. Tôi nói làm công an kể cũng khổ nhỉ. Lúc nào cũng phải đi theo canh chừng người khác ngồi uống cafe!
Đến khoảng 13:00 họ gọi tôi xuống dưới (phòng làm việc ở trên lầu), cả nhóm đều đang ở đó chỉ trừ bác Hoàng Hải tức Điếu Cày. Có một người đến, sau này tôi mới biết là Tòng - đại tá PA25. Họ bảo tôi lên xe taxi đi. Tôi chào mọi người và lên xe taxi cùng với hai công an đi kèm, họ đưa tôi về Trụ sở Công An phường 12 quận 3 là nơi tôi đang ký hộ khẩu. Tại đây còn có một anh chàng khác, vừa thấy tôi anh chàng bảo chị không nhớ tôi sao? Tôi đã từng ngồi với chị, với nhà văn Bùi Anh Tấn. Lúc đó tôi không biết anh chàng cũng là công an, bèn hỏi lại: Vậy à? Tôi không nhớ. Nhưng sao anh lại ngồi ở đây? Anh ta không trả lời. Lát sau mới biết anh ta cũng là công an PA25, anh ta, Tòng, thêm hai người nữa ngồi làm việc với tôi. Nhân vật tỏ thái độ thân thiện nhất là Tòng. Tòng nhắc biết tôi từ rất lâu, đã từng gặp tôi khi tôi vừa đi học ở Ấn về, gặp ở bên Hội Điện ảnh, nhưng trí nhớ tôi lại kém, tôi cũng không nhớ ra đã gặp Tòng rồi (trong khi đó dân công an như Tòng hay anh chàng bạn Bùi Anh Tấn kia có trí nhớ tốt thật, vậy mới làm công an được chứ). Tòng bảo rất ngạc nhiên khi gặp tôi trong trường hợp này vì anh ta biết tôi là một người từ thời làm nhà báo cho tới đạo diễn đều được tiếng là làm nghề nghiêm túc, có năng lực, sao bây giờ lại quan tâm tới chính trị thế này. Tôi hỏi anh ta trước những chuyện như Trường Sa, Hoàng Sa có người Việt Nam nào mà không bức xúc muốn lên tiếng không? Trong buổi làm việc, chủ yếu họ muốn hỏi tôi là cuộc biểu tình hôm nay do ai tổ chức, ai là người "cầm đầu", vì sao mà liên lạc đựơc với nhau... Tôi nói chả có ai tổ chức gì cả, chúng tôi cũng chẳng quen thân nhau chỉ biết nhau qua mạng, thậm chí tên thật, đời tư của nhau như thế nào cũng chẳng biết, còn về cái ngày này thì có gì đâu, ngay trên trang web BBC họ cũng đưa tin dự đoán sẽ có những cuộc biểu tình của người Việt Nam để kỷ niệm ngày 19.1.1974 mất Hoàng Sa kia mà. Còn báo chính thống thì ngay sáng nay trên tờ Thanh Niên cũng có bài nhắc đến sự kiện Hoàng Sa đó thôi. Họ hỏi tôi áo thun này ai in, biểu ngữ ai làm... tôi nói áo không phải do tôi in, nhưng đừng hỏi tôi ai làm, tôi không thích làm cái việc tố cáo, chỉ điểm người khác. Các anh hỏi tôi những việc gì tôi làm, tôi biết, tôi sẽ trả lời, còn về bản thân người khác và việc người khác làm, thì tôi không thích phải trả lời những gì liên quan đến người khác. Phải nói thật sự là thái độ của những người làm việc với tôi là nhã nhặn, có lẽ một phần vì từ trước tới giờ tôi chưa có hành động gì để bị xếp vào "thành phần đáng lưu ý " cả, thứ hai là vì như Tòng nói anh ta biết tiếng tôi là người có quá trình làm việc ở nhiều nơi thuộc cơ quan thông tấn báo chí cho tới truyền hình đều không có bất cứ vấn đề gì, không những thế còn đựơc xếp vào dạng làm nghề nghiêm túc, có học hành bài bản. Tôi cũng nói với anh ta tôi tham gia vào những việc này hoàn toàn do bức xúc muốn bày tỏ một thái độ đối với chuyện Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa thôi, bản thân tôi có công việc của mình, tôi không phải vì muốn làm những trò chơi nổi để lấy tiếng gì cả, thậm chí tôi biết thừa là việc lên tiếng như thế này còn ảnh hưởng đến công việc của tôi nữa là khác. Họ xoay sang cố tìm xem tôi có sự việc gì gây bất mãn cá nhân trong đời sống không, chẳng hạn như chuyện vì sao làm đến hai ba nơi rồi cuối cùng lại bỏ ra ngoài làm đạo diễn freelances, có phải vì bất mãn gì đó ở những nơi tôi đã làm việc không. Tôi nói chả có bất mãn gì cả, các anh không tin cứ kiểm tra lại những nơi tôi đã làm việc xem họ nhận xét về con người và năng lực của tôi như thế nào. Còn hiện tại vì sao tôi chọn con đường đạo diễn tự do vì nó thoải mái và tôi có thể cộng tác với bất cứ nơi nào tôi muốn, thế thôi.
Họ lại hỏi tôi về Hoàng Hải - chị nói là chị chỉ biết đến Hoàng Hải từ trang blog cá nhân của Hoàng Hải, vậy theo chị, chị thấy những bài viết trên blog của Hoàng Hải là đúng hay sai. Tôi lại nói đừng hỏi tôi nhận xét về người khác, ngay dù là bài viết. Họ bảo nhưng cái anh Hoàng Hải này đâu phải là nhà báo, anh ta đâu có học hành gì về nghề báo mà làm báo. Tôi nói thì có thể anh ấy là phóng viên ảnh, người ta vẫn có phóng viên chuyên đi viết bài và phóng viên ảnh đó thôi. Và cả hai dạng vẫn được gọi chung là phóng viên, là nhà báo. Thông qua thái độ của những người làm việc với tôi, tôi biết riêng với trường hợp Hoàng Hải họ đã lưu ý và lần này Hoàng Hải chắc chắn sẽ bị nặng hơn những người khác.
Tòng cũng nhắc tới tên một số văn nghệ sĩ đã và đang được "chính quyền lưu ý " như Nguyễn Viện, Trần Tiến Dũng, Trịnh Cung, Tuấn Khanh...
Dù sao thái độ của Tòng phải nói là nhã nhặn, còn nhân vật tự xưng là bạn của nhà văn Bùi Anh Tấn kia thì lấc cấc hơn. Anh ta còn bảo lẽ ra gọi Bùi Anh Tấn lên bảo lãnh tôi, tôi cười mà nói Bùi Anh Tấn thì chỉ là một người quen biết sơ với tôi thôi. Nhưng tôi cũng hỏi lại thế Bùi Anh Tấn cũng là PA25 là? Anh ta bảo trước kia thôi, còn sau này đã chuyển qua làm cho Nhà xuất bản. Dù sao qua chuyện này tôi mới thấy hóa ra chung quanh mình công an nhiều ra phết, nếu không đụng chuyện thì làm sao mà biết được ai là công an chìm, ai là PA25. Có vẻ như cả nước này công an và an ninh chiếm một tỷ lệ đáng kể trên tổng số dân!
Sau khi người công an (tên gì tôi không biết) viết biên bản, câu cuối cùng anh ta hỏi tôi là chị có thấy sự việc chị và mọi người làm hôm nay là sai trái không. Tôi nói không, tôi không thấy mình sai. Anh ta nói vậy chị khẳng định mình đúng chứ gì, chúng tôi muốn biết quan điểm cuối cùng của chị sau buổi làm việc ngày hôm nay để chúng tôi còn còn có hướng giải quyết về sau. Tôi hiểu ý anh ta. Tôi nói: về mặt tình cảm mà nói, việc chúng tôi làm ngày hôm nay là không sai. Vì anh cũng thấy, chúng tôi biểu tình để tưởng niệm ngày Hoàng Sa mất về tay Trung Quốc, mà rộng hơn là để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc về vụ Hoàng Sa, Trường Sa chứ có phải biểu tình chống đối Nhà nước VN đâu, chúng tôi cũng chẳng có bất cứ một âm mưu hay hành động bạo động gì, cũng chẳng phải là một tổ chức câu kết với bất cứ tổ chức gián điệp nào ở bên ngoài cả. Cho nên về mặt tình cảm lẫn cả lý lẽ mà nói việc chúng tôi làm là không sai. Chúng tôi chỉ có thể bị các anh bắt lỗi về việc tụ tập mà không xin phép đó thôi! Lúc họ hỏi thêm chị có ý kiến gì, có điều gì muốn nói nữa không, tôi nói: có một điều tôi thấy chưa được, đó là khi các anh công an bắt chúng tôi lên xe, dù sao chúng tôi cũng là những người trí thức có học và biểu tình là biểu tình chống Trung Quốc, đâu phải bọn tội phạm gì đâu mà các anh lôi kéo, ném rồi quẳng mọi người lên xe như vậy, cứ mời về là chúng tôi về thôi, có ai định chạy đi đâu, có làm gi đâu mà phải chạy. Sao lại ứng xử như thế.
Cuối cùng họ cho tôi về vào lúc khoảng sau 19:00. Ngay lúc ngồi trên taxi, tôi đã nhận được điện thoại hỏi thăm của anh Cung Tích Biền. Về đến nhà thì biết là ngay từ buổi trưa, khi thấy tôi không về mà điện thoại thì bị tắt máy không liên lạc được, con gái tôi đã gọi cho các anh Phạm Viêm Phương, Cung Tích Biền, Nguyễn Viện để hỏi thăm. Sau đó các anh Cung Tích Biền và Nguyễn Viện có gọi về nhà tôi nữa để xem tôi về chưa. Bạn bè chắc gọi vào máy tôi nhiều mà không được. Lần lượt trong buổi tối và sáng hôm nay Nguyễn Viện, Tuấn Khanh, chị Thu - chị của Minh Ngọc, Lynh Bacadi, Nguyễn Hòa, Bùi Chát, Thanh Hải, Thuận... gọi cho tôi. Tôi mới biết Bùi Chát về trễ hơn tôi và sáng nay còn phải lên làm việc lại ở trụ sở công an. Còn Hoàng Hải cho đến giờ phút này - 15:00 ngày Chủ Nhật 20.1 vẫn chưa liên lạc được, chắc là vẫn chưa được về.
Tôi cũng được nghe là còn có những nhóm sinh viên khác cũng bị bắt ở những địa điểm khác, nhưng vì không biết ai để mà liên lạc được nên không biết tình hình ra sao. Ngay cả ở Hà Nội cũng có những nhóm sinh viên biểu tình trong ngày này và cũng bị giữ, không biết thế nào.
Buổi tối Việt Hùng của đài RFA có gọi cho tôi. Hóa ra Nguyễn Viện có thông báo cho họ và BBC về việc tôi bị tạm giữ. RFA nói muốn phỏng vấn tôi, nhưng tôi trả lời tôi thấy giữa lúc này mà nếu tôi trả lời cho các đài báo ở bên ngoài thì sự việc sẽ trở nên lớn chuyện hơn, trong khi bản thân tôi thấy chưa có gì nghiêm trọng cả. Hơn nữa sau một ngày ngồi làm việc ở trụ sở công an, thật sự lúc này tôi chỉ muốn được ngủ cho đỡ mệt thôi. Tốt hơn là anh có thể gọi và hỏi luật sư Thanh Hải cũng là người bị giữ như tôi. Sáng hôm nay tôi hỏi Thanh Hải thì Thanh Hải nói họ có gọi và Thanh Hải có trả lời phỏng vấn rồi.
Tôi mới bị giữ có một ngày mà con gái tôi hoảng hốt, gọi đi đây đi kia, chiều hôm qua đi học thêm ở LHP còn gọi điện thoại vể hỏi ngoại mẹ về chưa, sáng nay mắt nhắm mắt mở đã hỏi mẹ đâu rồi. Đúng là trong một gia đình đơn chiếc như gia đình tôi, chỉ có ba mẹ con bà cháu, nếu tôi có chuyện gì - như là bị xe tông hoặc ung thư chẳng hạn - thì mẹ tôi và con gái tôi cũng không biết sống làm sao đây, ai nuôi đây!