Từ khái niệm về Nhà nước pháp quyền XHCN
Theo Từ điển Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam, NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN là khái niệm chỉ về nội dung dân chủ của nhà nước. Tư tưởng về NNPQ đã xuất hiện từ thời kỳ cổ đại, nhưng thuật ngữ NNPQ xuất hiện muộn hơn. Thuật ngữ này không được dùng trong sách báo Anh - Mỹ. Trong tiếng Anh người ta thường dùng một khái niệm tương tự - Rule of Law (Sự ngự trị của pháp luật). Ngày nay, khi nói tới NNPQ trước hết là nói đến sự ngự trị của pháp luật trong đời sống xã hội và chính trị với tính cách là ý chí của nhân dân và có giá trị phổ biến.
Có thể thấy hai khía cạnh của NNPQ:
1) Pháp lý hình thức, tức là sự ngự trị của pháp luật, sự ràng buộc bởi pháp luật đối với nhà nước và tất cả các thành viên của xã hội (hay nói cách khác, đây là yêu cầu bảo đảm pháp chế trong công tác xây dựng và áp dụng pháp luật);
2) Nội dung pháp lý, tức là bản thân pháp luật phải bảo đảm yêu cầu khách quan thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã chủ trương xây dựng NNPQ với nội dung cơ bản là xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện nguyên tắc thống nhất quyền lực và có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bổ sung NNPQ vào điều 2, Hiến pháp 1992.
Tài liệu giảng dạy bộ môn Nhà nước và Pháp luật của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ghi rõ:
Nhà nước pháp quyền XHCN là Nhà nước điều hành, quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật XHCN, tất cả mọi công dân đều phải “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, không có ngoại lệ, không ai có quyền đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Trong đó, các quyền dân chủ, tự do và lợi ích chính đáng của con người, của công dân được pháp luật bảo đảm và bảo vệ toàn vẹn; có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có sự hiện diện và điều chỉnh của pháp luật trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, có sự ràng buộc giữa các cơ quan Nhà nước và pháp luật.
CHÍNH QUYỀN là tổ chức bộ máy điều hành, quản lý công việc của Nhà nước và xã hội ở các nước trên thế giới.
Vì sao gọi là chính quyền?
Từ “chính” (正) có 3 nghĩa: 1. Ở giữa, ngay thẳng. 2. Chủ yếu, quan trọng, trái với phụ. Ví dụ: Phần chính, Ý chính; 3. Đúng là, đích là. Ví dụ: Chính nó đã nói thế.
Có thể hiểu chính quyền là tổ chức bộ máy điều hành, quản lý công việc của Nhà nước và xã hội một cách chính danh, chính thức, ngay thẳng, được mọi người công nhận, nhằm thi hành công việc quản lý Nhà nước.
“Chính” ngược lại với “ngụy” (偽) là giả, lời nói mê sảng, giả trá. Ví dụ: ngụy quỷ (dối trá, quỷ quyệt), ngụy chứng (khai man), ngụy quân (dùng hình nộm giả làm quân), ngụy tạo (làm giả, giả mạo), ngụy tệ (tiền giả), ngụy thác (lấy đồ mới giả làm đồ cổ), ngụy thiện (đạo đức giả), ngụy trang (giả trang).
Một Nhà nước mà không chính danh, không ngay thẳng, không tuân thủ nghiêm các quy định phápluật, người thừa hành công vụ đầy rẫy hành vi giả trá, lừa lọc quần chúng nhân dân… thì không gọi là bộ máy chính quyền mà phải gọi là bộ máy ngụy quyền.
Đến các quy phạm pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân
“Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân: Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”;
“Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân: Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật. Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật”;
“Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân: Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này”;
“Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật: Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”.
Đó là những nguyên tắc bất di bất dịch được quy định rõ tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự nước CHXHCN Việt Nam.
Về các trường hợp tạm giữ người cũng được quy định rõ ràng như sau:
1)-Tạm giữ người theo thủ tục hành chính:
Theo Điều 44 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, được cụ thể hóa bằng Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ: “Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vi phạm hành chính. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ.”
2)-Tạm giữ người là biện pháp ngăn chặn trong Tố Tụng Hình Sự: Theo Điều 68 Bộ Luật Tố Tụng Hình sự (năm 1987 và được sửa đổi bổ sung theo Luật ngày 09/06/2000): “Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang”.
- Trường hợp khẩn cấp (Điều 81) được hiểu là: khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiệm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, hoặc khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chận ngay việc người đó trốn hoặc tiêu chuỷ chứng cứ; hoặc khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
b) Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;
c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80 của Bộ luật này.
Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn.
Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại Điều này. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt (khoản 2, 3, 4 Điều 81 BLTTHS).
- Phạm tội quả tang (Điều 82): Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt .
Thời hạn tạm giữ trong trường hợp này theo Điều 69 Bộ Luật Tố tụng Hình sự thì thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày đêm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày đêm. Trong trường hợp đặc biệt cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng cũng không được quá ba ngày đêm.
Trong mọi trường hợp tạm giữ người thì người thi hành lệnh phải triển khai lệnh cho người bị tạm giữ biết, lập biên bản về việc tạm giữ và giao cho người bị tạm giữ 1 bản lệnh tạm giữ.
Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này, Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ (Điều 86).
Và hành vi liên tục bắt giữ người trái pháp luật của CA Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 16/12/2007, vì tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, bị bắt giữ trái phép lần thứ 1 trên đường Võ Thị Sáu với lý do nghi ngờ buôn bán ma túy nhưng không tìm thấy chút ma túy nào mà chỉ để hỏi vớ vẩn vụ biểu tình.
Ông Nguyễn Văn Hải đã gởi đơn tố cáo hành vi bắt người trái pháp luật đến Giám đốc CA Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu xử lý.
Sáng ngày 23/12/2007, ông Nguyễn Văn Hải lại bị bắt giữ trái phép lần thứ 2 với lực lượng hùng hậu hơn lần thứ 1 gồm: Công an phường, Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát cơ động 113, CA mặc thường phục và 1 xe Cảnh sát 113 dùng vũ lực lôi kéo ông Hải tống lê xe chở đi với lý do còn lố bịch hơn lần thứ 1 là “Mời giải quyết đơn tố cáo”. Đạo đức xã hội, lễ nghĩa ngàn đời, phép tắc xã giao, hệ thống văn bản pháp quy Việt Nam lại có cái kiểu “mời”, kiểu đối xử với người tố cáo như cách bắt giữ một tên tội phạm hình sự nguy hiểm như vậy sao?
Từ một người bị xúc phạm thô bạo đến nhân phẩm, danh dự, thân thể một cách trái pháp luật, ông Hải đã có đơn yêu cầu cơ quan pháp luật (tức CA Thành phố Hồ Chí Minh và Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì mức độ “khủng bố” công dân càng ngang nhiên ngạo nghễ, thách thức người dân tay không tấc sắt một cách công khai trước hàng trăm cặp mắt quần chúng tại khu vực tòa nhà Diamond Plaza, bất chấp tiếng kêu chê trách, phẫn nộ của những người chứng kiến.
Có thể điều động một lúc nhiều lực lượng tham gia, điều cả xe 113 để bắt giữ ông Hải thì rõ ràng không phải thẩm quyền của mấy anh CA phường rồi.
Hành vi “khủng bố” càng ngày càng gia tăng khi ông Hải đến CA phường 8 quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc theo lời mời của CA thì bị câu lưu tại đây đến 0 giờ 45 phút ngày 25/12/2007 mà không có bất cứ một quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính hay lệnh tạmgiữ theo thủ tục tố tụng hình sự nào.
19 giờ ngày 24/12/2007, ông Hải gọi điện cho tôi hay là ông vẫn còn bị CA dùng vũ lực giữ ở CAP8 Q3 mà chưa được ăn gì. Tôi thật bất nhẫn khi nghe thấy việc một công dân vô tội bị lực lượng CA đối xử tệ bạc hơn một tên tội phạm đã bị Tòa án tuyên là có tội.
Đến 20 giờ, tôi được một người bạn cho hay ông Hải vừa được CAP cho ăn 1 tô phở. Lại thêm một chuyện bi hài, chẳng biết phở này là phở vĩa hè 5.000 đồng/tô hay phở 24.000 đồng/ tô? Nhưng chi tiết CAP gọi một dân phòng ra ngoài mua rồi bưng vào ngay thì tôi dám khẳng định chắc chắn là chẳng phải phở của hệ thống cửa hàng phở 24. Tôi, một người phụ nữ chuyên làm việc văn phòng mà ăn 1 tô phở còn không thấm, huống hồ đàn ông như ông Hải thì ai cũng hiểu tô phở ấy ăn vào nó chạy đi đâu.
Tôi còn nghe ông Hải nói ông bị lục soát thân thể, tịch thu, tự tiện khám xét, xem nghe các vật dụng cá nhân của ông (máy ghi âm) mà không được sự đồng ý của ông cũng như không có tờ lệnh khám xét nào.
Ai cũng biết rằng LỄ GIÁNG SINH là một trong những đại lễ của đạo Kitô tổ chức từ giữa đêm 24 đến 25.12 dương lịch, là ngày sinh của Chúa Giêsu, hay còn được gọi là ngày Chúa Giáng sinh, Lễ Giáng sinh được tổ chức trọng thể tại nhà thờ với nghi thức tôn nghiêm trang trọng. Ở Việt Nam, Lễ Giáng sinh không chỉ dành riêng cho các tín đồ của đạo Công giáo, mà cư dân trong một số vùng có đạo Công giáo, đặc biệt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng chia vui với giáo dân. Đêm Giáng sinh thường thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là các nam nữ thanh niên. Vì vậy, lễ Giáng sinh ở Việt Nam còn bao hàm cả ý nghĩa sinh hoạt văn hóa cộng đồng của toàn thể người Việt có đạo hay không có đạo, nên hàng năm vào ngày này vẫn xảy ra hiện tượng kẹt xe cũng không phải là chuyện lạ.
Ngăn cản người dân tham gia lễ Giáng sinh là hành vi xâm phạm đến quyền tự do cá nhân, xâm phạm đến quyền tự do tham gia sinh hoạt văn hóa, tôn giáo đã được pháp luật cho phép.
Niềm tin bị bóp chết thô bạo
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là tôn trọng các giá trị truyền thống “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, trong đó chữ Tín được coi là quan trọng nhất trong quan hệ giao tiếp xã hội. Không phải tự nhiên mà ông bà ta có nhiều câu nói về chữ Tín: “Nhất ngôn bất tín, vạn sự bất tin”, “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, “Nhất ngôn như phá thạch”….
- Ở tù cũng có chế độ ăn uống đàng hoàng, đủ bữa, đúng giờ. Nay, các anh CA lại dùng vũ lực câu lưu người dân ở cơ quan mình nhưng không cho ăn uống đầy đủ, đúng giờ, đó là BẤT NHÂN;
- Ông Hải dù gì cũng là cựu chiến binh, nếu ông may mắn không hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc kháng chiến giữ nước thì không thể vì thế mà phủi sạch đóng góp của ông, chỉ vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc đòi Hoàng Sa - Trường Sa cho Việt Nam (nếu có đòi được thì cá nhân những người biểu tình cũng không được lợi lộc gì) mà bị những người gọi là Công An Nhân Dân trở mặt coi ông như thù địch, đó là BẤT NGHĨA;
- Nói là “Mời” nhưng không giữ đúng nguyên tắc lịch sự tối thiểu của việc “mời”. Tự ý xem, nghe tài liệu trong máy ảnh, máy ghi âm, điện thoại của người khác khi chưa được sự đồng ý của người đó, cũng không có lệnh (bằng văn bản) do người có thẩm quyền ký đúng quy định pháp luật; ngăn cản công dân tham gia sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, đó là BẤT LỄ;
- Không đủ lý lẽ để thuyết phục người dân phải “tâm phục khẩu phục”, hành xử ngang ngược, ỷ vào sức mạnh của số đông có vũ khí trong tay, bất chấp quy định pháp luật, tự cho phép mình chà đạp lên pháp luật, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm của công dân, đó là BẤT TRÍ;
- Nói một đàng làm một nẻo. Giấy mời chữ ghi rành rành “giải quyết đơn thưa tố cáo” nhưng không giải quyết đơn thưa tố cáo mà lấy đông hiếp ít, lấy thịt đè người, dùng thủ đoạn “xa luân chiến” cố ý khủng bố tinh thần nhằm gán ghép tội cho công dân đó là BẤT TÍN.
Những kẻ BẤT NHÂN, BẤT NGHĨA, BẤT TRÍ, BẤT LỄ, BẤT TÍN như thế có nên gọi là “chính quyền”???
Người đại diện cho cơ quan pháp luật, người có nhiệm vụ bảo vệ nhân dân lại ngang nhiên vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì công dân như tôi đây phải tin ai???
Đêm 24/12/2007, Thiên chúa Giáng sinh muộn màng ở Sài Gòn. Tôi, một kẻ vô thần, vô cùng cảm ơn Thiên Chúa lòng lành, sau mấy mươi năm Người cũng đã cho tôi được sáng mắt sáng lòng rằng tôi chỉ có thể đặt niềm tin vào Thiên Chúa!
Sài Gòn, ngày 25/12/2007
Tạ Phong Tần